Đông Nam Á không cần quân đội Mỹ giúp chống khủng bố

Trung tá Lục quân Mỹ John Christian cùng các binh lính Philippines ở thành phố Zamboanga, Nam Philippines (8/12).
Trung tá Lục quân Mỹ John Christian cùng các binh lính Philippines ở thành phố Zamboanga, Nam Philippines (8/12).

Quan chức Philippines, Indonesia và Malaysia đều cho biết sẽ từ chối đề nghị của Mỹ là đưa quân hỗ trợ chống khủng bố vào từng quốc gia. Chính quyền các nước này cho rằng sự can thiệp như vậy sẽ nhanh chóng gây ra bạo động chống Mỹ, đặc biệt là ở những quốc gia Hồi giáo. Wahid Supriyadi, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Indonesia, nói: “Quân đội Mỹ sẽ không có mặt ở Indonesia vì như thế là vi phạm quyền tự chủ của Indonesia. Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng: Chúng tôi chống khủng bố nhưng chỉ sử dụng những biện pháp của riêng mình”.
Tuần trước, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohammad tuyên bố, sẽ tiếp tục theo dõi hoạt động của các nhóm Hồi giáo cực đoan và không để Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ nước mình. Từ tháng 9 đến nay, cảnh sát đã bắt 15 thành viên của một nhóm mujahideen ở Malaysia. Những người này từng được huấn luyện quân sự tại Afghanistan và quay trở lại nước này với mục đích lật đổ chính quyền để thành lập một quốc gia Hồi giáo trên lãnh thổ 3 nước Malaysia, Indonesia và Philippines.
Một quan chức của Bộ Quốc phòng Malaysia bình luận: “Chúng tôi từng tham gia các khóa huấn luyện với quân đội Mỹ, nhưng sẽ không để lính Mỹ có mặt tại đây để thực hiện các nhiệm vụ quân sự. Điều đó trái với chính sách của chúng tôi”.
Philippines từng là thuộc địa của Tây Ban Nha và Mỹ, Indonesia là thuộc địa của Hà Lan, còn Malaysia trước đây là thuộc địa của Anh. Những dấu ấn của thời kỳ đó phần nào gây ra phản ứng mạnh mẽ của người dân các nước trong khu vực Đông Nam Á trước việc Mỹ định gửi quân tới đây.
Trong số các nước Đông Nam Á, Philippines từ trước tới nay vẫn là đồng minh đáng tin cậy nhất của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố. Tổng thống Arroyo đã đến thăm Mỹ vào tháng trước để tìm cách hỗ trợ cho chiến dịch chống khủng bố. Nhưng khi Tổng thống Bush đề nghị gửi quân đội tới Indonesia, bà đã lập tức từ chối và chỉ nhận sự giúp đỡ về trang thiết bị và huấn luyện quân sự cho quân đội Philippines. Khoản hỗ trợ này có giá trị khoảng 100 triệu đôla.
Tuần trước, nhiều cố vấn quân đội Mỹ đã tới vùng nam Philippines. Bà Arroyo yêu cầu họ không mang theo vũ khí để tránh sự phản ứng của dân địa phương. Hiến pháp của Philippines cấm quân đội nước ngoài đồn trú trên lãnh thổ nước này.
Dưới con mắt của Liên Hiệp Quốc, các nước Đông Nam Á, với vùng biên giới không được kiểm soát chặt, một tỷ lệ lớn dân sống dưới mức nghèo khổ, là địa bàn lý tưởng cho hoạt động của khủng bố trong tương lai. Ông Rohan Gunaratna, cựu nhân viên điều tra của Tổ chức phòng chống khủng bố của Liên Hợp Quốc, bình luận: “Kể từ khi bản hiệp định Oslo được ký kết giữa Israel và Palestine, vào năm 1993, trung tâm của khủng bố đã chuyển từ Trung Đông sang châu Á. Ngày nay, những vùng có khủng bố hoành hành trên thế giới, theo thứ tự giảm dần về mức độ và quy mô, là châu Á, châu Phi, Trung Đông, châu Mỹ Latin, các nước thuộc Liên Xô cũ và các nước phương Tây”.
Các nước hiện nay bị Mỹ nghi ngờ có phần tử khủng bố thuộc Al-Qaeda hoạt động bao gồm Philippines, Somalia, Yemen, Malaysia, Indonesia, Tajikistan và Uzbekistan. Chỉ huy quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương, Đô đốc Dennis Blair, trong một cuộc phỏng vấn gần đây tại Singapore, cho biết, nhiều vùng của Philippines, Indonesia và Malaysia đã bị quân khủng bố của Abu Sayyaf và các nhóm cực đoan khác biến thành “nơi không có người ở”.
Xuân Tùng (theo IHT)

1gom