Dự luật BHXH còn điểm trái với Bộ luật Lao động

BLLĐ hiện hành có một chương quy định về BHXH. Theo kế hoạch sửa đổi đạo luật này, 5 điều của chương BHXH sẽ được sửa. Tuy nhiên, phần sửa đổi này không “nắn” hết được độ “vênh” giữa BLLĐ và Dự luật BHXH.
Về chế độ trợ cấp ốm đau, Dự luật BHXH quy định thời gian đóng BHXH tối thiểu ba tháng mới được hưởng trợ cấp ốm đau, trong khi BLLĐ không giới hạn. Tương tự, chế độ trợ cấp thai sản giữa Dự luật và BLLĐ cũng vênh nhau: theo Dự luật, đóng BHXH tối thiểu ba tháng mới được xét hưởng trợ cấp, ngoài ra không hạn chế số lần sinh con; còn BLLĐ không giới hạn thời gian đóng BHXH, nhưng chỉ giải quyết trợ cấp cho hai con.
Dự luật BHXH quy định tuổi nghỉ hưu của lao động nữ là 60 tuổi (nếu có nguyện vọng, được nghỉ từ 55 tuổi). Chỉ giải quyết hưởng trợ cấp nghỉ hưu một lần với trường hợp: 60 tuổi, nhưng chưa đủ 15 năm đóng BHXH; đủ 15 năm đóng BHXH, nhưng chưa đủ tuổi đời để hưởng hưu trí, mà suy giảm sức khỏe 61%; ra nước ngoài định cư hợp pháp. Trong khi đó, BLLĐ chỉ quy định tuổi hưu trí của nữ là 55 tuổi và nghỉ việc mà không đủ điều kiện hưu trí thì được trợ cấp một lần. Điểm thiếu thống nhất khác là mức nộp BHXH. Dự luật quy định người sử dụng lao động đóng 18% quỹ lương, người lao động đóng 7% (tổng cộng 25%), trong khi BLLĐ quy định người sử dụng lao động đóng 15%, người lao động đóng 5%.
Ông Sang cho rằng BLLĐ chỉ quy định nội dung cơ bản nhất, còn Luật BHXH sẽ cụ thể và chi tiết hơn về chế độ BHXH. Không thể có mâu thuẫn giữa hai văn bản về cùng một vấn đề. Do đó, nếu thấy nội dung dự kiến trong Luật BHXH phù hợp thì cần chỉnh sửa BLLĐ ngay trong lần sửa đổi này, đừng để khi ban hành Luật BHXH lại phải chỉnh sửa BLLĐ lần nữa.
(Theo Người Lao Động, 9/4)

1gom