Hơn 1/3 cơ sở có sai phạm trong đợt thanh tra thuốc

Về phía các cơ sở y tế, sai phạm chủ yếu là chưa áp dụng cơ chế đấu thầu thuốc, giao nhà thuốc bệnh viện do các công ty dược đứng ra kinh doanh, chưa thực hiện đúng các quy định về công tác dược trong bệnh viện…
Tại Bệnh viện Đa khoa Kon Tum, giá thuốc tăng 10-30%. Tại Bệnh viện Việt Tiệp (Hải Phòng), hơn một nửa số bệnh nhân nội trú phải tìm mua thuốc ở ngoài. Nhà thuốc Bệnh viện Trung ương Huế không đủ giấy phép hành nghề. Nhà thuốc Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương chỉ mới được bàn giao từ Công ty Cổ phần Dược phẩm Nam Hà 3 ngày trước khi đoàn thanh tra đến.
Tại Bệnh viện Ung thư Trung ương, có bệnh nhân cấp cứu nhập viện đến 4 ngày mà vẫn chưa lập bệnh án theo dõi; nhiều bác sĩ vẫn kê đơn thuốc theo tên biệt dược (trong khi theo quy định phải ghi tên gốc), việc đấu thầu thuốc không được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng như quy định. Ngoài ra, trong ngày đầu tiên làm việc với cơ sở này, đoàn thanh tra phát hiện một trường hợp bệnh nhân kẹp tiền vào sổ y bạ đưa cho bác sĩ để được khám trước.
Về tiêu cực giữa các hãng dược phẩm với bác sĩ kê đơn, thanh tra khẳng định là có, nhưng không xác định được rõ ràng.
Kết quả thanh tra cũng cho thấy, chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, 10 bệnh viện trung ương đã nợ các hãng dược tới 15 tỷ đồng do biến động về giá thuốc. Để tránh tình trạng này, theo Thanh tra Bộ, cần tổ chức đấu thầu thuốc trong bệnh viện theo từng năm, không nên thực hiện mỗi nơi một kiểu như hiện nay. Nhưng muốn vậy, bệnh viện cần nguồn kinh phí lớn để trả tiền thuốc; trong khi phần lớn các cơ sở y tế hiện không có khả năng này.
Thanh Nhàn

1gom