’Đây thôn Vĩ Dạ’ cũng là thơ điên (!) – một ’phát minh’ mới của ông Chu Văn Sơn?

Trần Mạnh Hảo – 
Coi bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ là thơ điên cũng được Chu Văn Sơn cho in từ trang 417 đến 436 trong cuốn Hàn Mặc Tử – Tác phẩm & Dư luận (Nxb. Văn Học, 2002). Bài phân tích thơ này cũng được in trong cuốn Phân tích – Bình giảng tác phẩm văn học 11 do Nguyễn Đăng Mạnh chủ biên (Nxb. Giáo Dục, 1999). Tiến sĩ Chu Văn Sơn, người làm chuyên nghiệp nghiên cứu, phê bình văn học, lại thường xuyên được mời giảng văn trên Đài truyền hình Việt Nam, chắc là vừa phát minh ra phương pháp tiếp cận văn học xuyên văn bản, xoá văn bản hay sao mà lại cho bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”, một bài thơ trong sáng, bình dị nhất của Hàn Mặc Tử là thơ điên? Chu Văn Sơn lại còn tuyên bố rằng Hàn Mặc Tử đã dùng “hình thức điên” để diễn đạt “nội dung đau thương”(!)?Ấy vậy mà lạ lùng thay, trên báo Văn Nghệ số 47, ra ngày 20/11/2004, trong bài Thêm một công trình nghiên cứu có chất lượng về Thơ Mới, tác giả Văn Giá đã đề cao cuốn Ba đỉnh cao Thơ Mới (viết về Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử) của Chu Văn Sơn bằng sự ca ngợi hết lời như sau: “Người viết đã như gọi được hồn vía của mỗi nhà thơ hiện lên trang giấy”…“Công trình này tự nó đã có dáng dấp của một lý thuyết nghiên cứu riêng, mặc dù tác giả chưa có ý định lập thuyết. Một công trình nghiên cứu được gọi là hay không chỉ có được những kết quả hay mà còn thể hiện được phương pháp ngiên cứu hay, mới mẻ, thú vị. Công trình này có được những phẩm chất như vậy”…“Chu Văn Sơn đã có một thứ ngôn ngữ phê bình riêng…mang ấn tín, quyền uy của Chu Văn Sơn”…“…chữ nghĩa của tác giả đã làm nên tư tưởng. Làm nên dấu ấn riêng, đường nét riêng trên con đường định hình một phong cách nghiên cứu phê bình văn học Chu Văn Sơn”…“Những bài viết về “Nguyệt cầm”, “ Mưa xuân”, “Đây thôn Vĩ Dạ” đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nghệ thuật kể trên mà tác giả (tức Chu Văn Sơn – chú của TMH) đã tự quán triệt”…Trong bài viết này, chúng tôi chỉ xin khảo sát phần bình giải của Chu Văn Sơn với bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử, xem Chu Văn Sơn có “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nghệ thuật” như những lời ca ngợi tít cung mây của Văn Giá trên báo Văn Nghệ dành cho tác giả này hay không? Cũng xin lưu ý phần bình giải bài Đây thôn Vĩ Dạ của Chu Văn Sơn in trong cuốn Ba đỉnh cao Thơ Mới và phần bình bài thơ này của cùng tác giả in trong cuốn Hàn Mặc Tử – tác phẩm và dư luận nhìn chung chỉ là một, chẳng qua có chỉnh trang chữ nghĩa đôi chút mà thôi.Trong trang 240 cuốn Ba đỉnh cao Thơ Mới (BĐCTM), Chu Văn Sơn viết: “Đây là bài thơ trong trẻo bậc nhất của Hàn. Có lẽ bởi những lý do đó mà nhiều người đã yên trí rằng, Đây thôn Vĩ Dạ là một ngoại lệ, như lạc vào phần Thơ điên chứ không phải một thành viên thứ thiệt của nó. Không phải. Nó vẫn thuộc thơ điên, nhất là ở mạch liên kết siêu logic”… Trang 255, cuốn BĐCTM, Chu Văn Sơn khẳng định tiếp về sự điên của Đây thôn Vĩ Dạ như sau: “Có hình dung như vậy, mới thấy Đây thôn Vĩ Dạ cứ là Thơ điên theo đúng nghĩa. Không có những hình ảnh kỳ dị ma quái, những tiếng kêu kinh dị, nhưng mạch liên kết toàn bài thì rõ ra là “đứt đoạn”, “cóc nhảy”. Mạch thơ như một dòng tâm tư bất định, khước từ vai trò tổ chức chặt chẽ của lý trí”. Tiến sĩ Chu Văn Sơn viết ở dòng thứ 14, kể từ dưới lên, trang 420 cuốn Hàn Mặc Tử – tác phẩm – dư luận (HMT-TPDL) như sau: “Có hình dung như vậy mới thấy Đây thôn Vĩ Dạ cũng là thơ điên theo đúng nghĩa. Tuy không có những tiếng kêu lạ, không có những hình ảnh kỳ dị, ma quái, nhưng mạch liên tưởng toàn bài rõ ràng đã khước từ vai trò tổ chức của lý trí”. Trước đó, từ dòng thứ nhất đến dòng thứ 5, cũng trang 420 (HMT-TPDL), Chu Văn Sơn định nghĩa thơ điên như sau: “Thơ điên thường có những biểu hiện: a) Mở ra một kênh hình lạ lùng, với vẻ đẹp kỳ dị (thậm chí dễ sợ); b) Những tiếng kêu lạ buột lên từ những cơn đau (hú, hét, gào, rú); c) Một lối liên tưởng rất phi logic (thoát ly hẳn áp lực của lý trí)”. Đây thôn Vĩ Dạ là một bài thơ trữ tình trong sáng vỏn vẹn 12 câu, dễ hiểu, dễ cảm, chẳng có một câu nào đáp ứng “ba tiêu chuẩn điên” trên đây của Chu Văn Sơn. Thế mà rất nhiều lần khi bình giảng bài Đây thôn Vĩ Dạ, Tiến sỹ Chu Văn Sơn cho rằng đây là tiếng kêu tuyệt vọng của thi sĩ, ví như ông viết ở trang 422 (HMT-TPDL), dòng 1 đến dòng 3 kể từ trên xuống, như sau: “Trên đây, người viết đã lần theo tình yêu tuyệt vọng, để thấy nó chi phối hình thức “điên” bao trùm của thi phẩm này”. Trời, lại một phát minh cực mới của Tiến sĩ! Chu Văn Sơn có thể làm giật thót mình toàn bộ giới lý luận phê bình văn học bằng việc công bố trong văn chương còn có một “hình thức điên”? Thế nào là “một hình thức điên” thì xin ông Sơn tiếp tục chỉ giáo! Vậy, trong trường hợp cụ thể Đây thôn Vĩ Dạ, “hình thức điên” đã bao trùm lên một nội dung điên hay một nội dung tỉnh táo? Chẳng lẽ thể thơ thất ngôn cổ điển được Hàn thi nhân dùng viết ra Đây thôn Vĩ Dạ cũng là một thể thơ điên? Tạo ra một thuật ngữ mới tinh: “HÌNH THỨC ĐIÊN” như thế cho lý luận văn học mà không hề lý giải, có thể Tiến sĩ Sơn toan làm điên đầu bạn đọc chăng? Ngay ở đầu bài bình thơ này, ông Chu Văn Sơn, để tuyên bố “công án điên” của mình bằng một khái quát hết hồn là “điên hoá” toàn bộ hình thức thơ Hàn Mặc Tử như sau: “Vâng, đau thương và điên chính là Hàn Mặc Tử. Đau thương là cội nguồn sáng tạo, còn điên chỉ là hình thức của sáng tạo ấy”. Tuyên bố “đau thương” là nội dung thơ Hàn Mặc Tử còn “điên là hình thức” thơ Hàn là một nhận thức không chỉ kỳ quặc, bí hiểm, hũ nút mà hoàn toàn sai lạc với thơ Hàn Mặc Tử nói chung và Đây thôn Vĩ Dạ nói riêng. Xin xem thêm ở cuốn Ba đỉnh cao Thơ Mới, trang 231, Chu Văn Sơn “điên hoá” toàn bộ thơ Hàn bằng một kết luận tương tự như sau: “Và đây là cái gốc của Thơ điên. Đúng thế, nếu đau thương là nội dung sáng tạo, thì điên là hình thức của sáng tạo ấy”.Trần Mạnh Hảo tôi vốn người trần mắt thịt, ngồi một mình lẩm nhẩm đọc thuộc lòng Đây thôn Vĩ Dạ đến 25 lần xem bài thơ này của Hàn Mặc Tử có điên như Tiến sĩ Chu Văn Sơn kết luận trên chăng? Tuyệt nhiên tôi chẳng thấy “nó” điên ở chỗ nào. Có lẽ khi đọc bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ, Tiến sỹ Chu Văn Sơn đang ở trạng thái lên đồng, hoặc ông ta đã học được phép loại trừ chính lý trí của mình khi bình giảng một bài thơ trữ tình trong sáng như Đây thôn Vĩ Dạ chăng? Hàn Mặc
Tử không bao giờ bị điên, không có bài thơ nào, câu thơ nào của ông điên cả, dù ông có đề tên bài là “Anh điên”, “Em điên” đi nữa. Chúng tôi đành phải chép ra đây bài thơ “Anh điên” để thấy thơ Hàn Mặc Tử và chính ông chẳng hề điên tí nào, thậm chí còn rất tỉnh táo, tuân thủ cái logic hiện thực trữ tình một cách rất lý trí như sau: “Anh nằm ngoài sự thực / Em ngồi trong chiêm bao / Cách nhau xa biết mấy / Nhớ thương quá thì sao // Anh nuốt phút hàng chữ / Anh cắn vỡ lời thơ / Anh cắn cắn cắn / Hơi thở đứt làm tư!”. Còn đây, bài thơ “Em điên” của Hàn thi sĩ vẫn cứ là một lý trí tỉnh táo dù tình cảm mấp mé bờ mê bến ảo đi nữa: “Em xé toang hơi gió / Em bóp nát tơ trăng / Em túm muôn trời lại / Em cắn vỡ hương ngàn // Em cười thì sao rụng / Em khóc thì đá bay / Em nhớ chàng quá Trí / Mà chàng vẫn không hay!”.Có thể Tiến sĩ Chu Văn Sơn chỉ căn cứ vào những lời tuyên bố của nhóm thơ “loạn” Quy Nhơn thời Hàn Mặc Tử, hay căn cứ vào lời tuyên bố về thơ điên của chính nhà thơ này, ví như việc Hàn thi nhân toan đặt tên tập thơ Đau thương viết trong thời kỳ chữa bệnh phong tại trại phong Quy Hòa là “Thơ điên” mà vơ đũa cả nắm đối với Đây thôn Vĩ Dạ chăng? Nên nhớ rằng một người điên không bao giờ thừa nhận mình điên cả. Ngay cả các thi sĩ cực đoan nhất của phái tượng trưng hay phái siêu thực có tuyên bố mình làm thơ điên, mình điên loạn đi chăng nữa thì cũng chỉ là một cách nói làm dáng, một “phong trào” giả điên mà thôi. “Trường thơ loạn” Quy Nhơn với Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên tuy có những tuyên bố “điên loạn” dị thường nhưng thơ của họ thực chất vẫn là phong cách trữ tình truyền thống pha một tí xíu lãng mạn hoặc chút chút gia vị tiêu ớt tượng trưng mà thôi. Cả hai nhà thơ này chỉ “điên” trong tuyên bố cho hợp thời trang tượng trưng, siêu thực chứ còn thơ họ hoàn toàn tỉnh táo, chẳng có một tẹo điên nào.Bình văn, giảng thơ là căn cứ vào văn bản, chứ không căn cứ vào những tuyên bố ngoài văn bản dù của chính tác giả. Trong trường hợp Đây thôn Vĩ Dạ, một bài thơ trong sáng, mộng mơ, hy vọng, giản dị, nhà thơ mượn “Vĩ Dạ”, mượn “Em” để tỏ tình với trời đất, với cuộc đời. Bài thơ này chính là niềm hy vọng, là tình yêu, là tấm lòng thiết tha với trần thế, ràng buộc hồn mình với tạo vật của tác giả. Bài thơ toàn nắng với trăng, có một thoáng “buồn thiu” của dòng nước lặng, nhưng ngay sau đó, ánh trăng đến phả lòng yêu đời xuống bến sông trăng. Cả bài thơ là niềm yêu đời khôn xiết, sao Tiến sĩ Chu Văn Sơn dám bảo rằng Đây thôn Vĩ Dạ toàn là tuyệt vọng? Còn việc Tiến sĩ Sơn cho rằng bài thơ này có nội dung đau thương và hình thức điên thì không còn có thể bàn luận gì được với ông nữa rồi. Nhận thức về toàn bộ thơ Hàn nói chung và Đây thôn Vĩ Dạ nói riêng sai lạc trăm phần trăm như thế thì bài bình thơ sao có thể đúng cho được? Chỉ xin dẫn ra đây một dẫn chứng về lối bình thơ dung tục, phi thơ của Chu Văn Sơn khi bình câu “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc” để bạn đọc thấy khoảng cách giữa cảm nhận của nhà bình giảng thơ và nhà thơ là “nghìn trùng xa cách” như thế nào: “…Cau có dáng mảnh dẻ, bóng đổ xuống vườn trong nắng mai, in thành những đường tinh tế như kẻ chỉ xuống lối đi, xuống cảnh vật. Thân cau chia làm nhiều đốt đều đặn, cau khác nào như một cây thước mà thiên nhiên dựng sẵn trong vườn dùng để đo mực nắng. Nắng mai rót vào vườn cứ đầy dần theo từng đốt, từng đốt. Đến khi tràn đầy thì nó biến cả khu vườn xanh thành một viên ngọc lớn…”(Ba đỉnh cao Thơ Mới, tr. 260,261)Điều kinh ngạc lớn nhất của chúng tôi là một bài bình thơ sai lạc như thế này, lại liên tục được in trên nhiều cuốn sách tham khảo cho học sinh sinh viên. Bảo nội dung thơ Hàn Mặc Tử là đau thương còn hình thức thơ ông là hình thức điên như sự bình giải phi văn bản, phi thơ này của Tiến sĩ Chu văn Sơn thì quả tình là một cách hữu hiệu nhất xóa bỏ tài năng thơ của Hàn thi nhân, không cứ chỉ trong bài Đây thôn Vĩ Dạ. Lại nữa, ông Chu Văn Sơn là một người hay lên giảng thơ văn trên đài truyền hình Việt Nam cho cả nước học tập. Liệu khi ông lên truyền hình giảng “Đây thôn vĩ Dạ cũng là thơ điên” thì có làm điên đầu cả nước hay không?Chỉ với một bài thơ giản dị, dễ hiểu như Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử mà Tiến sĩ Chu Văn Sơn còn chưa hiểu, còn bình giảng sai đến kinh ngạc như trên, thì thử hỏi, làm sao ông có đủ khả năng làm nên một cuốn sách nghiên cứu phê bình tuyệt vời như Văn Giá vừa ca ngợi hết lời trên báo Văn Nghệ? Thành phố Hồ Chí Minh, 24/11/2004T.M.H.© eVăn 2004

1gom