Nhạc sĩ Đức Trí và việc học ở trời Tây

– Anh đã học được những gì ở Mỹ?
– Tôi theo học rất nhiều môn khác nhau, từ nhạc cụ chính bắt buộc (piano) đến lập trình hoà âm, phối khí, chỉ huy dàn nhạc, ứng dụng kỹ thuật trong lĩnh vực ghi âm, chuyên ngành jazz, pop… Một số môn như hoà âm, sau khi kiểm tra trình độ, trường đặc cách xếp tôi vào học từ lớp thứ ba trở đi, khỏi phải qua hai lớp đầu. Điều tôi tâm đắc nhất không phải là được tiếp xúc với kỹ thuật tiên tiến mà là sự thay đổi hoàn toàn về tư duy hoà âm phối khí.
– Khó khăn lớn nhất của Trí khi đi nâng cao tay nghề là gì?
– Tài chính. Số tiền tôi làm việc cật lực và dành dụm suốt 6 năm trời trước đây chỉ đủ trang trải việc học ở xứ người có một năm. Tôi phải sống thắt lưng buộc bụng và đi làm thêm để có tiền ăn học, từ việc dạy đàn cho trẻ em đến chơi nhạc cho các buổi tiệc tùng, đám cưới. Berklee – trường đào tạo những James Taylor, Sting, Paula Cole… đặc biệt khuyến khích sinh viên ra môi trường bên ngoài đánh nhạc, làm thêm vì họ quan niệm, điều này sẽ góp phần quan trọng cho nghệ sĩ tiếp xúc thực tế, thực hành lý thuyết. Mặc dù học phí rất cao và cuộc sống rất khó khăn nhưng kiến thức tôi tiếp thu được giá trị gấp năm lần số tiền bỏ ra, giúp, giúp tôi có niềm say mê để vượt qua những lúc nản lòng, muốn bỏ cuộc.
– Trí dự định sẽ làm gì khi về nước?
– Tôi dự kiến đến mùa hè năm 2003 thì tốt nghiệp, sau đó có thể đi thực hành trong ngành công nghệ sản xuất âm nhạc tại Mỹ thêm một năm và trở về Việt Nam. Chắc chắn, tôi sẽ tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc như sáng tác, hoà âm ca khúc.
(Theo Tuổi Trẻ)

1gom