Mùa đông và Ramadan – thời điểm Mỹ ngừng tấn công Afghanistan?

f
Người Hồi giáo cầu nguyện.

Chính quyền Bush từng chỉ rõ rằng trong chiến dịch của mình, họ sẽ không bị Ramadan hạn chế nhiều, mà mối bận tâm lớn nhất, điều làm họ phải cân nhắc nhiều nhất, còn hơn cả sự giận dữ của thế giới Hồi giáo, là mùa đông giá lạnh ở Afghanistan. Theo đánh giá của giới phân tích, các nhà hoạch định chính sách quân sự của Mỹ đang hướng sự chú ý vào những thông tin dự báo thời tiết để có thể đánh giá một cách chuẩn xác nhất về điều kiện khí hậu mà họ sẽ phải đương đầu.
Những gì mà quân đội Liên Xô trước đây từng chứng kiến qua rất nhiều mùa đông giá lạnh đã minh chứng cho sự khắc nghiệt đó. Mùa đông trên đất nước Trung Á nghèo nhất thế giới này cực kỳ khắc nghiệt với cái lạnh cắt da và băng tuyết phủ khắp nơi.
Hồi ấy, ngay cả lực lượng chống Taliban cũng muốn “an dưỡng” khi mùa đông về. Chính vì lẽ đó, họ đã chủ động đề xuất thỏa thuận cùng hạ vũ khí với Taliban. Tuy nhiên, Taliban lại luôn thất hứa. Họ vẫn tiếp tục bám trụ, chiến đấu qua cả mùa đông. Rồi chỉ với chân trần và quần áo không đủ ấm, lính Taliban đã vượt qua bão tuyết để chiến thắng binh sĩ Liên Xô, những người cũng đã quá quen với điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Taliban nắm trong tay những chiến binh dạn dày trận mạc, từng chiến đấu trong thời tiết lạnh giá. Cho nên, lo ngại của Mỹ về mùa đông Afghanistan là hoàn toàn có cơ sở.
Sự sùng đạo của người Hồi giáo
Một số nhà lãnh đạo ở các quốc gia Hồi giáo tại châu Á cho rằng, trong tháng Ramadan, nếu một nước Hồi giáo bị tấn công thì rất có thể cộng đồng những người theo đạo Hồi nói chung sẽ cùng đứng lên, sát cánh bên những người anh em chống Mỹ, bởi Ramadan là khoảng thời gian thiêng liêng của thế giới Hồi giáo. Và như thế, mối thù với Washington sẽ càng hằn sâu.
Tuy nhiên, đối với Mỹ, Ramadan chỉ mang tính chính trị thuần tuý. Bất chấp mọi lời cảnh báo, quan chức nước này vẫn có cách biện minh cho hành động của mình. Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld từng tuyên bố: “Lịch sử cho ta thấy rằng chính các nước Hồi giáo đã tự gây hấn với nhau hay các quốc gia khác ngay trong những thời khắc thiêng liêng đối với tôn giáo của họ”.
Mỹ cho rằng nếu ngừng tấn công, họ sẽ mất đà đúng lúc đang giành được những thắng lợi mà theo họ là khá quan trọng. Rồi hết tháng Ramadan, mùa đông tràn về, họ không thể đình hoãn chiến tranh vì một lý do lịch sử nào nữa. Đồng minh phương Tây của Mỹ cũng viện ra những ví dụ tương tự. Theo họ, thời gian qua, Chính phủ Pakistan, Indonesia hay một quốc gia Hồi giáo nào đó đã phải cố trấn áp sự hỗn loạn của các cuộc biểu tình chống Mỹ. Rồi nữa, chiến dịch chống khủng bố không nhằm vào thế giới Hồi giáo mà nhằm vào chủ nghĩa khủng bố… Thế nên, ý nghĩa của tháng Ramadan không được nhấn mạnh.
Đồng minh Hồi giáo lo ngại
Các đồng minh Hồi giáo, những nước mà sự ủng hộ của họ trở nên rất cần thiết đối với chiến dịch chống khủng bố, ngày càng hối thúc Washington đẩy nhanh tiến độ chiến tranh, nhằm giành một thắng lợi lớn trên bộ trước tháng Ramadan, hoặc là chấp thuận một đợt đình chiến lâu dài nhân tháng ăn kiêng này.
“Theo cảm nhận của riêng tôi, người Hồi giáo sẽ vùng lên, nếu Mỹ vẫn tiếp tục hoạt động quân sự ở Afghanistan trong suốt tháng Ramadan. Mỹ cần kiềm chế!”, Ngoại trưởng Indonesia Hasan Wirayuda cảnh báo.
Đôi nét về tháng Ramadan
Tháng Ramadan năm nay bắt đầu từ ngày 17/11. Trong suốt thời gian này, người Hồi giáo không được ăn, uống hay quan hệ nam nữ mà chỉ đọc kinh cầu nguyện từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn. Đó cũng là thời gian mà người Hồi giáo phải tuân theo những quy tắc nghiêm ngặt nhất, bao gồm cả việc không được gây chiến, để tâm hồn được thanh thản.
Bá Thuỳ (theo AP, AFP, CNN)

1gom