Mỹ sẽ trao trả Saddam cho Iraq 2 tuần tới

Dòng dài tù nhân chờ được phóng thích ở nhà tù Abu Ghraib.
Tù nhân chờ được phóng thích ở nhà tù Abu Ghraib.

“Tất cả các tù nhân sẽ được chuyển giao cho nhà chức trách Iraq. Mọi việc được tiến hành trong vòng 2 tuần tới”, ông Allawi nói. “Saddam và những người khác sẽ được trao cho người Iraq”.
Thủ tướng lâm thời Iraq khẳng định, cựu tổng thống sẽ ra hầu toà “càng sớm càng tốt” nhưng không đưa ra khung thời gian cụ thể. “Saddam sẽ được trao cho chính phủ Iraq, và bạn có thể coi đây là khẳng định chính thức”, ông Allawi tuyên bố.
Trước đó, các quan chức Mỹ cho biết dự định tiếp tục giam 5.000 tù nhân, những người bị cho là mối đe doạ với liên quân kể cả sau khi chủ quyền được trao trả. 1.400 tù nhân sẽ được phóng thích hoặc chuyển cho nhà chức trách sở tại.
Sau khi trao trả chủ quyền, tù nhân do nhà chức trách Iraq giam giữ và áp dụng theo luật Iraq.
Saddam bị Mỹ giam giữ tại một địa điểm không được công bố ở đất nước vùng Vịnh kể từ sau khi bị bắt hồi tháng 12 năm ngoái gần Tikrit. Người ta vẫn đang thảo luận về quy chế của ông trong khi thời điểm chấm dứt chiếm đóng đang tới gần. Saddam là tù binh sau khi bị bắt.
Tại Geneva, người phát ngôn Chữ Thập Đỏ Quốc tế Nada Doumani cho biết, nhà chức trách liên quân phải đưa ra cáo buộc hình sự với cựu tổng thống Iraq, nếu không phải phóng thích ông khi chủ quyền được trao trả. Theo luật quốc tế và quân pháp, tù binh được trả tự do sau khi xung đột và chiếm đóng kết thúc, nếu không có cáo buộc. Trưởng phát ngôn Chữ Thập Đỏ Antonella Notari cho biết, tổ chức không kêu gọi phóng thích Saddam, mà đơn giản chỉ nêu quy định theo luật quốc tế. “Tuy nhiên, một tù nhân bị tình nghi đã gây tội ác không thể được trả tự do. Tất nhiên, người đó phải bị truy tố, xét xử thông qua quá trình kiện tụng”, bà nói. “Nhà chức trách Mỹ sẽ quyết định làm gì với Saddam – buộc tội hay đưa ông ta ra toà án Iraq”.
Mohammed Rashdan, luật sư Jordan tự nhận đại diện cho Saddam, khẳng định quan điểm của Chữ Thập Đỏ vi phạm luật quốc tế và quân pháp. “Theo điều khoản các công ước quốc tế, Chữ Thập Đỏ lẽ ra nên kêu gọi phóng thích cựu tổng thống Iraq”, ông nói. “Chữ Thập Đỏ bảo vệ Mỹ trong mọi trường hợp có thể. Lẽ ra họ nên giúp các luật sư bào chữa cho Saddam gặp thân chủ – yêu cầu tối thiểu được hưởng ở các nước phát triển”.
Theo nghị quyết Hội đồng Bảo an, mặc dù Iraq sẽ tự điều hành đất nước sau ngày 30/6, hàng chục nghìn lính liên quân vẫn tiếp tục có mặt ở đất nước vùng Vịnh để duy trì an ninh.
Nguyễn Hạnh (theo AP)

1gom