Chính quyền Hoàng gia Ảrập Xêút có nguy cơ sụp đổ

Thái tử Abdullah.
Thái tử Abdullah.

Phong trào phản đối ở Ảrập Xêút khai màn hồi tháng 3, bắt đầu từ đám cháy tại một trường học dành cho nữ sinh. 14 em tử vong, vì bị ngạt khói trong khi lực lượng cảnh sát tôn giáo lại cản trở, khiến các em không thoát ra ngoài được. Bất ổn ở miền đông nhanh chóng leo thang thành làn sóng phản đối trên toàn quốc.
Những người biểu tình sau đó trút phẫn nộ lên đầu nhân vật nắm quyền thực tế – Thái tử Abdullah – vì quan điểm có xu hướng thân Mỹ của ông. Cảnh sát đàn áp thẳng tay. Em trai Thái tử, Hoàng tử Naif, Bộ trưởng Nội vụ, phải tiến hành chiến dịch bịt miệng giới truyền thông, nhằm ngăn chặn thông tin lọt ra ngoài.
Kế hoạch hòa bình Trung Đông gần đây của Abdullah thất bại, khiến vị thế của ông càng thêm suy yếu. Các quan chức Anh lo ngại có khả năng một số thành viên Hoàng gia Ảrập Xêút bênh Al-Qaeda sẽ tiến hành đảo chính, lật đổ Thái tử. Nhân vật kỳ phùng địch thủ – Bộ trưởng Quốc phòng, Hoàng tử Sultan – từng phản đối không úp mở chính sách thân phương Tây của Abdullah. Thái tử lo lắng đến nỗi phải cử đại diện riêng tới Washington để cân bằng ảnh hưởng với Đại sứ Ảrập Xêút ở đó – Hoàng tử Bandar, một người con của Hoàng tử Sultan.
Sau khi xảy ra một loạt vụ đánh bom vào những mục tiêu phương Tây, có dấu hiệu cho thấy các nhân vật chống Abdullah trong Chính phủ Ảrập Xêút đã thông đồng với nhau. Phe này giải thích đây đơn thuần là chuyện tranh chấp địa bàn hoạt động giữa những người phương Tây buôn rượu lậu, và bỏ tù 5 người Anh, 1 Canada, 1 Bỉ. Tuy nhiên, theo các nguồn tin tình báo Anh, các cuộc tấn công đó là do những nhân vật Hồi giáo có liên quan đến Al-Qaeda tiến hành. Luật sư đại diện cho 5 công dân Anh bị giam giữ cho biết họ có thể sẽ sớm được thả.
Dự đoán căng thẳng giữa các phe phái trong hoàng gia sẽ gia tăng sau khi Vua Fahd từ trần. Từ năm 1995, Fahd bị đột quỵ nên em trai ông – Thái tử Abdullah – lên nắm quyền nhiếp chính. Hiện ông dưỡng bệnh ở Thụy Sĩ, trong tình trạng theo như lời các bác sĩ, “không được ổn định”. Một nhân vật bất đồng chính kiến gốc Ảrập Xêút, tiến sĩ Saad al-Fagih, đã tóm tắt tình hình bằng một câu như sau: “Đang có một cuộc chiến thầm lặng giữa các phe nhóm trong Hoàng gia Ảrập Xêút”. 

Thi thể của hoàng tử Ahmed bin Salman bin Abdulaziz được đem đi chôn cất ngày 23/7.
Lễ an táng Hoàng tử Ahmed bin Salman bin Abdulaziz, ngày 23/7.

Năm nay có lẽ là năm hạn của Hoàng gia. Mới đây, chỉ trong 8 ngày đã có 3 hoàng tử Ảrập Xêút qua đời. Người thứ nhất là Hoàng tử Ahmed bin Salman, 43 tuổi, từ trần ngày 22/7 tại bệnh viện thủ đô Riyadh, sau một cơn đột quỵ. Tiếp sau, Hoàng tử Sultan bin Faisal bin Turki, 41 tuổi, chưa kịp tới Riyadh để dự tang người họ hàng, đã thiệt mạng trong một tai nạn ôtô dọc đường. Hai hoàng tử được chôn cất cùng ngày 23/7. Tiếp đó, ngày 30/7, Hoàng tử Fahd bin Turki ben Saud al Kabir, 25 tuổi, chết khát trong sa mạc Rimah (phía nam đất nước). Một cái chết lạ lùng vì đây không phải là lần đầu tiên hoàng tử băng qua sa mạc.
Minh Châu (theo Observer, Tuổi Trẻ)
 

1gom