Nhi hãy giữ liên lạc bình thường với anh ấy

From: Kathy LeTo: [email protected] Sent: Thursday, February 13, 2003 12:15 PM Subject: Gop y voi Nguyet Nhi
Chào bạn Nguyệt Nhi, đọc tâm sự của bạn, tôi góp ý như sau:
1. Bạn đã tìm hiểu thật kỹ người bạn trai của bạn chưa? Và ngoài bạn ra, người ấy có một bóng hồng nào khác bên cạnh không?
2. Nếu anh ấy đang thất bại vì công việc thì bạn có hiểu nguyên nhân tại sao không? Bạn có thể giúp cho anh ấy tháo gỡ công việc của anh ấy được không?
3. Trong lúc anh đang rối như tơ vò, bạn hãy cứ liên lạc bình thường và xem thử công việc của anh như thế nào? Bạn cố gắng hết mình chú tâm vào việc học và sau khi học xong thì về Việt Nam cố gắng làm việc và động viên, giúp đỡ anh ấy về mặt tinh thần cũng như vật chất. Bạn cũng chẳng cần để ý anh ấy đối xử với bạn như một người bạn thuần túy hay là 1 người tình nữa, mà bây giờ hãy đặt trọng tâm giải quyết về những vấn đề công ăn việc làm của anh ấy và tìm mọi cách để giải quyết. Sau này, khi mọi chuyện đâu vào đấy rồi thì anh ấy sẽ suy nghĩ lại và lúc ấy thì bạn sẽ phân tích cho anh ấy thấy rõ hơn.
4. Người con có hiếu trong gia đình là một người chồng gương mẫu, một người cha tốt và là một người có trách nhiệm với xã hội. Nhưng đôi khi quá có hiếu thì người con ấy bị cả gia đình lạm dụng, nghĩa là người anh phụ giúp về tài chính cho các em ăn học. Và chính những người em đó phải cố gắng tự lo cho mình trước cho đến khi không còn tự lo cho mình được nữa thì mới nhờ vả, chứ không phải tất cả mọi thứ đều đặt trên vai người anh cả. Ở ngoại quốc, cha mẹ chỉ lo cho con đến 18 tuổi thôi và sau đấy con phải vừa học vừa làm để tự lo cho bản thân mình. Gia đình nào tương đối khá một chút thì cha mẹ lo cho đến ngày tốt nghiệp đại học và tự đi kiếm việc làm. Anh chị em thì chỉ giúp nhau chút chút thôi chứ không có nhiều trách nhiệm như cha mẹ được. Lỡ sinh ra người anh khờ nhất trong gia đình thì ai là người lo cho cả gia đình.
“Đói thì đầu gối phải bò thôi”, anh ấy cứ để mặc thì đâu cũng vào đấy. Biết đâu những người em lại càng cám ơn vì nhờ có như vậy họ mới trưởng thành được, chứ sống không thể là một cây tầm gửi hoài được. Rồi đến khi những người em ấy lập gia đình và ra riêng, họ cũng chẳng đoái hoài đến anh ấy đâu, lúc ấy đã trễ rồi. Anh ấy có hiếu với cha mẹ thì tốt, nhưng cha mẹ phải hiểu được tình cảm của con chứ… Những bậc làm cha mẹ như vậy quá ích kỷ và chỉ biết có mỗi cá nhân mình. Họ sống không còn bao nhiêu nữa, đáng lý phải biết yêu thương những người con có hiếu mới đúng, nếu họ chỉ muốn sống cho riêng mình thì những người con đó lập gia đình và ra riêng mà sống.
5. Nam, Trung, Bắc là vấn đề chia để trị của người Pháp đối với Việt Nam mình. Và cho đến bây giờ hình như người Việt Nam mình cũng vẫn còn bị phân chia giữa Nam, Bắc, Trung? Nếu vậy thì thế giới ngồi chung với nhau một bàn cờ để giải quyết mọi vấn đề chắc khó lắm nhỉ? Và những người Việt Nam lấy khác chủng tộc và sinh ra những người con lai thì chắc xã hội cũng khó chấp nhận lắm nhỉ? “Đời ngắn lắm”, hãy sống vì nhau và chia sẻ với tất cả mọi người thì chúng ta sẽ hạnh phúc. Bạn hãy đứng gần anh ấy và nói với anh ấy rằng: “Hãy dang tay ra và đón nhận tất cả những điều mới, lạ và những trái tim yêu của người khác thì bạn sẽ hạnh phúc, trái lại hận thù chỉ chất thêm nhiều cay đắng chứ chẳng giải quyết được điều gì cả. Hy vọng những dòng nước mát nơi bạn sẽ đổ xuống nơi anh ấy và cho cha, mẹ, cũng như những người em của anh ấy.
5. Và tôi kể cho bạn nghe về một câu chuyện của một người quen:
Hai người quen nhau năm đầu tiên của đại học Virginia, vùng Bắc Mỹ. Chàng trai du học Hà Nội 25 tuổi yêu một cô gái (20 tuổi)đã được ông bà ngoại bảo lãnh sang Mỹ (ba cô ấy được vào Mỹ theo diện H.O.). Cả đại gia đình phản đối vì kẻ Nam, người Bắc (không thể nào ngồi chung với nhau được). Nhưng 2 người nhất quyết lấy nhau cho bằng được. Họ quyết liệt đấu tranh ròng rã hơn 4 năm trời (trong những năm đó chàng trai Hà Nội vẫn không được đến nhà đằng gái. Cô gái đi tìm hậu thuẫn ở bà con cậu, dì, anh, chị em bà con và bà ngoại…). Tất cả những người trẻ tuổi (thế hệ một rưỡi, thế hệ thứ hai…) đã ủng hộ cô bé đó.
Và vì thương con, một đám cưới đã diễn ra (với 2 ông sui đến từ Hà Nội và Virginia. Lần này thì 2 ông sui ngồi cùng bàn để bàn chuyện tương lai cho đôi trẻ) sau những năm tranh đấu của cả chàng trai Hà Nội và cô gái sinh ra tại miền Nam và trưởng thành trên đất Mỹ. Ngày đám cưới, chàng trai đã cầm được cái bằng cử nhân về software engineer và cô bé ấy lấy bằng dược sỹ. Và còn nhiều chuyện tình hơn như vậy nữa đã diễn ra, vậy thì tại sao bạn phải trách vì bạn là người Bắc? Đừng đòi hỏi gì cả, hãy đi tìm hậu thuẫn ngay chính người bạn của chàng,, tìm cách gần gũi với gia đình chàng, bạn sẽ có được những điều mong muốn. Nhưng điều trên hết hãy cố gắng học và lo tương lai cho mình trước đã.
Chúc bạn thành công, và hãy mỉm cười với cuộc đời trước mặt.
Chúc may mắn.
Thân ái,
K.L.

1gom