Các phe phái ở Sudan ký thỏa thuận hòa bình

Phó tổng thống Sudan Taha và thủ lĩnh phiến quân Garang giơ cao bản nghị định thư.
Phó tổng thống Sudan Taha (trái) và thủ lĩnh phiến quân Garang giơ cao bản nghị định thư.

Buổi lễ diễn ra tại khu nghỉ mát Naivasha của Kenya. Chính phủ Sudan và nhóm phiến quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Sudan (SPLA) ký các nghị định thư về chia sẻ quyền lực và việc quản lý 3 khu vực tranh chấp tại miền trung: vùng Abyei, núi Nuba và sông Blue Nile.
Lãnh đạo SPLA John Garang tuyên bố: “Chúng ta đã leo lên đỉnh đồi, trong chặng đường khúc khuỷu lên đến hòa bình. Trước mặt chúng ta giờ không còn đồi núi, chỉ còn đường phẳng”. Nước chủ nhà hội nghị cũng tỏ thái độ lạc quan. “Đây là chiến thắng không chỉ cho nhân dân Sudan khát khao hòa bình và ổn định, mà còn cho cả châu lục”, Tổng thống Kenya Mwai Kibaki bình luận. Thỏa thuận này sẽ đưa chính phủ của người Hồi giáo Ảrập (chiếm đa số ở miền bắc) và các phiến quân Thiên chúa giáo da đen (ở miền nam) xích lại với nhau.
Hàng trăm quan chức Sudan và Kenya, cùng các nhà ngoại giao nước ngoài, trong đó có Quyền trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Phi Charles Snyder, đã phải chờ lễ ký mất vài giờ đồng hồ. Nguyên do là Phó tổng thống Ali Osman Taha và lãnh đạo phiến quân Garang tiếp tục thương thuyết cho đến sớm qua. Hai ông rời cuộc họp không lấy gì làm vui vẻ.
Hai bên đã xác định là miền nam sẽ được quyền tự trị trong 6 năm, kết thúc bằng một cuộc trưng cấu dân ý về độc lập, trong khi luật Hồi giáo Sharia vẫn được áp dụng ở miền bắc.
Nghị định thư cũng bao gồm vấn đề chia sẻ doanh thu từ dầu mỏ, hệ thống tiền tệ riêng rẽ cho 2 miền bắc và nam, dàn xếp an ninh đối với hai quân đội.
Người ta hy vọng hiệp ước hòa bình cuối cùng sẽ được ký ở Washington vào tháng tới. Mỹ tuyên bố thỏa thuận sẽ mở đường cho việc thiết lập quan hệ bình thường với Sudan. Trong số các điều kiện Washington đặt ra có chấm dứt bạo lực tại vùng Darfur (miền tây Sudan), nơi một triệu người phải rời bỏ nhà cửa.
Hiện nay vẫn còn rất nhiều việc phải làm, trong đó khó khăn nhất là biến thỏa thuận thành hiện thực, tại một đất nước đã bị hai thập kỷ chiến tranh giày xéo.
M.C. (theo BBC)  
 
 
 

1gom