Cả luật sư và cơ quan buộc tội cùng than thở

Luật sư Phan Trung Hoài từng khiếu nại lên VKSND Tối cao, Bộ Công an, về việc ông không được Cơ quan Điều tra Công an Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận bào chữa và không được gặp mặt thân chủ là bị can N.H., bị tạm giam. Theo đơn, đã hai lần luật sư đi từ TP HCM ra Đà Nẵng để xin cấp giấy chứng nhận bào chữa theo quy định tố tụng, nhưng đều phải về tay không. Lý do là Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra, Phó giám đốc, và cả Giám đốc Công an Đà Nẵng đùn đẩy nhau, họ nói sẽ đưa việc này ra “bàn trong Ban giám đốc”.
Tuy nhiên, đơn khiếu nại của ông đã được chấp nhận và ông được cấp giấy.
Luật sư than
Theo giới luật sư, đó chỉ là trò cỏn con và cơ quan tố tụng còn nhiều cách khác để làm khó luật sư.
Để cản trở luật sư tham gia việc hỏi cung, thông thường Cơ quan Điều tra hẹn tới hẹn lui khiến luật sư không thể theo được. Họ giải thích như: thấy án có đồng phạm thì từ chối cho luật sư tham gia với lý do an ninh (dù không phải là trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự). Có trường hợp, nghi phạm bị tạm giam, thân nhân mời luật sư, nhưng khi luật sư cầm giấy giới thiệu đến thì Cơ quan Điều tra nói: “Ông có được chính bị can mời đâu mà đòi gặp bị can”.
Kết luận điều tra, hồ sơ chuyển sang VKS thì lại có cách làm khó khác. Luật sư muốn nghiên cứu hồ sơ thì kiểm sát viên từ chối với lý do mình đang cần xem, hoặc lấy lý do không văn bản nào quy định giao hồ sơ cho luật sư, mà chỉ cho đọc và ghi chép. Còn việc tham dự các buổi xét hỏi, như lời một trưởng phòng điều tra của VKS, chỉ luật sư tin cậy mới được chấp nhận, bởi ngại bị tiết lộ bí mật vụ án. Hồi đầu tháng 9 vừa qua, khi bào chữa cho bị can trong vụ án Ngân hàng Việt Hoa, luật sư Phan Trung Hoài đã khiếu nại lên VKSND TP HCM về việc luật sư muốn tiếp xúc bị can thì kiểm sát viên từ chối, yêu cầu để kiểm sát viên gặp trước.
Điều tra, kiểm sát cũng than
Họ phàn nàn rằng nhiều luật sư tìm mọi cách, kể cả bất hợp pháp, làm nhẹ tội cho thân chủ. “Lẽ ra luật sư phải giải thích cho thân chủ của mình những quy định của tố tụng, động viên thân chủ làm rõ sự thật vụ án, thế nhưng có người lại lợi dụng việc tham gia hỏi cung để phím bị can khai né tội. Điều tra viên có mặt ở đó để quan sát cũng không thể bắt bẻ gì, bởi luật sư có nói toạc ra đâu”, một cán bộ điều tra nói.
Không chỉ vậy, luật sư còn dùng quyền của mình để chuyển thư mớm cung, phản cung. Nhiều trường hợp, nghi can đã nhận tội, đến khi gặp luật sư lại khai ngược lại, kêu bị bức cung. Hay còn có chuyện bắt cá hai tay, mang danh là bảo vệ cho bị can A, nhưng cứ vẽ ra để A nhận tội, để gỡ tội cho B – đồng phạm trong vụ án.
Chưa hết, theo các điều tra viên, có luật sư miệng thì than phiền không được dự cung và gặp bị can trước khi lấy cung, nhưng thực tế, họ chỉ đến Cơ quan Điều tra khi đã có kết luận chính thức để đọc hồ sơ. Có người thậm chí chỉ tạt ngang, hỏi qua tình tiết vụ án rồi không thấy quay lại nữa, dù việc lấy cung chưa xong và Cơ quan Điều tra có thông báo rõ giờ giấc lấy cung. “Luật sư làm như vậy đã hết trách nhiệm chưa? Tại chúng tôi hay tại luật sư?”, một cán bộ điều tra nói.
Có lẽ xuất phát từ thực tế như vậy mà cơ quan tố tụng ở một số nơi đã có định kiến với các thày cãi. Tâm lý chung của cơ quan kiểm sát, điều tra là mau chóng kết thúc vụ án. Họ hạn chế luật sư tham gia bởi ngại gặp khó khăn trong việc mở rộng án, hoặc việc điều tra sẽ kéo dài do luật sư “chỉ lối đưa, đường”…
Cần điều chỉnh cả hai bên
Ý nghĩa pháp lý của việc luật sư tham gia tố tụng từ giai đoạn điều tra là nhằm ngăn ngừa vi phạm pháp luật, hạn chế oan sai có thể xảy ra trong quá trình điều tra, như ép cung, bức cung… Khi tham gia điều tra, luật sư không chỉ là người chứng kiến, mà còn có quyền đặt câu hỏi để bị can trả lời khi được điều tra viên cho phép. Luật sư có quyền đọc lại biên bản điều tra, cho ý kiến bổ sung và các nhận xét về biên bản. Các ý kiến và nhận xét này phải được ghi vào biên bản, để cả 3 bên ký tên. Quyền nói trên của thày cãi chỉ bị hạn chế với các tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia. Cơ quan pháp luật không thể vì cho rằng luật còn sơ hở mà phòng ngừa trước bằng cách cản trở hoạt động hợp pháp của luật sư.
Thày cãi và Cơ quan Điều tra, kiểm sát đều có mục đích chung là bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bị can, bị cáo, tránh oan sai.
(Theo PL TP HCM)

1gom