Cần truy cứu trách nhiệm cấp quản lý tỉnh Bình Thuận

From: tunco HCM city To: [email protected] Sent: Saturday, December 28, 2002 6:29 PM Subject: Can nghiem tri nhung ke con do va ca nhung nguoi bao ve luat phap o dia phuoong
Kính gửi các anh chị trong Ban biên tập VnExpress,
Tôi là một sinh viên đang học tập tại nước ngoài, thường xuyên theo dõi những sự kiện trong nước trên trang báo của quý vị. Khi đọc bài báo đưa tin về vụ đánh người đến chết tại quán “cơm tù” ở Bình Thuận, tôi thật sự phẫn nộ. Tôi tin rằng không chỉ riêng mình tôi mà những ai đọc tin này đều có tâm trạng như vậy.
Chúng ta thường nói về một mô hình “xã hội công bằng, văn minh”, vậy hành vi của các chủ quán “cơm tù” liệu có được chấp nhận trong một xã hội văn minh? Tôi cũng rất phẫn nộ trước cách trả lời của bà Phó chủ tịch xã, nơi tồn tại những quán “cơm tù” nổi tiếng kia. Bà chỉ đề cập đến những biện pháp xử phạt hành chính thôi. Như vậy liệu có đủ mạnh để răn đe, thậm chí trừng phạt và có đảm bảo không tái phạm? Riêng hành động ép khách vào quán ăn với giá cao cũng đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh “cưỡng đoạt tài sản công dân”. Tại sao lại chỉ xử phạt hành chính đơn thuần? Đó là chưa nói đến sau khi đánh người, chúng còn chửi bới (nên đưa vào tội danh “làm nhục người khác”), đánh đập hành khách nếu không chịu ăn cơm trong quán (tội danh “cố ý gây thương tích”, “gây rối trật tự công cộng”, “giết người có chủ ý”…). Với những hành vi như vậy, sao chỉ xử phạt hành chính được?
Tôi cũng lấy làm lạ là những quán “cơm tù” nổi tiếng kia tồn tại đã nhiều năm mà chính quyền xã, huyện, tỉnh Bình Thuận không có biện pháp mạnh tay nào hết. Phải chăng các quan chức bảo vệ luật pháp lại bao che cho những hành động dã man như vậy? Trách nhiệm này không chỉ thuộc về cấp huyện, xã mà còn cấp quản lý cao hơn của tỉnh Bình Thuận. Cũng cần đưa các vị này ra xử phạt vì đã buông lỏng quản lý gây hậu quả nghiêm trọng.
Không chỉ riêng sự có mặt của các quán “cơm tù”, hiện tượng “cò” tại các nhà ga, bến tàu, khu vực đăng ký xe… đã thể hiện sự yếu kém trong quản lý của các cấp, ngành. Nhìn lại lịch sử của ông cha ta, đã có những vị vua đóng giả dân thường để vi hành, xem dân mình thực sự sống ra sao, chứ cứ nghe bài “tấu” của nịnh thần thì bao giờ vua mới biết đến dân được. Còn các quan chức hiện giờ thì quen ngồi trên Mercedec, Crown để “vi hành”, có vấn đề gì thì chỉ họp và rút kinh nghiệm bằng những câu như: thiếu tinh thần trách nhiệm, chưa đi sâu đi sát…
Trên đây là những bức xúc của cá nhân tôi về một số vấn đề tôi thấy “gai mắt”, tôi chỉ mong những dòng này sẽ đến được các độc giả khác để chúng tôi cùng chia sẻ quan điểm. 
Tôi xin trân trọng cảm ơn.
Bui Thi Lan Huong (The Neitherlands)

1gom