Chương trình ca nhạc hay quảng cáo?

Nếu không có sự trợ giúp về mặt tài chính của các hãng lớn, bầu sô sẽ thiếu tự tin trong việc đưa món ăn tinh thần đến với khán giả. Nhưng cũng chính vì thế mà nhiều hãng “cạy thế”, lạm dụng sân khấu cho mục đích kinh doanh.
Có thể thấy rõ điều này trong chương trình phiêu du từ Nam ra Bắc Một thoáng Sài Gòn, với sự tham gia của nhiều ngôi sao tên tuổi như Lam Trường, Minh Thuận, Tik Tik Tak… hồi cuối tháng 10. Với đội ngũ toàn sao như vậy, ban tổ chức cần một nhà tài trợ hào phóng gánh đỡ về mặt tài chính. Hãng Suzuki được mời vào vai trò đó. Tuy nhiên, hãng này không dừng lại ở việc treo logo trên sân khấu mà đã “bê” cả sản phẩm của họ ra trưng bày như một showroom. Trong đêm diễn, MC Thanh Bạch đã tạo được ấn tượng ngoạn mục khi ra chào khán giả trong tư thế… cưỡi trên xe máy.
Không chỉ có thế, nhà tài trợ còn tận dụng đan xen một số trò chơi đặc tính quảng cáo. Ví dụ, họ trao giải cho khán giả hát được những ca khúc bắt đầu bằng các chữ cái ghép nên nhãn hiệu Viva…
Đầu năm nay, nhiều khán giả đã rất bất bình khi mua vé xem chương trình giao lưu với hai Cách Cách đến từ triều vua Càn Long: Lâm Tâm Như và Triệu Vy. Để được giảm tiền vé xuống 100.000 đồng, người mua phải xuất trình hai chai xịt Baygon (còn nguyên màng nhựa) tại các điểm bán. Chính vì thế, nhiều khán giả hâm mộ đã buộc phải mua sản phẩm của hãng dù không muốn.
Chưa hết, chiến dịch tiếp thị còn xâm nhập cả giải thưởng âm nhạc. Trong Liên hoan Ban nhạc sinh viên toàn quốc, nhà tài trợ đã tận dụng sự sáng tạo của các tài năng âm nhạc trẻ khi yêu cầu ban tổ chức đề ra điều kiện: Mỗi nhóm nhạc dự thi phải hát ca khúc quảng cáo của NesCafe (có thể phổ lại nhạc). Kết quả là, có bao nhiêu nhóm nhạc tham dự thì có bấy nhiêu lần bài hát được thể hiện. Mỗi lần như vậy, khán giả lại được một trận cười nghiêng ngả. Chẳng hiểu các hãng lớn có đạt được mục đích tiếp thị đã đề ra, chỉ biết rất nhiều khán giả đã tỏ ý khó chịu vì phải thưởng thức một chương trình ca nhạc kém chất lượng.
V.H.

1gom