Phú Quang: ’Tôi làm nhạc phim để chơi’

á
Nhạc sĩ Phú Quang.

– Ông nghĩ sao về thực tế, nhiều nhạc sĩ vì eo hẹp kinh phí đã thể hiện ca khúc của mình trong tác phẩm điện ảnh một cách chắp vá, tùy tiện?
– Cũng phải thông cảm với các nhạc sĩ làm nhạc phim. Mức giá như hiện nay, từ 1 đến 1,5 triệu đồng/ tập phim truyền hình thì chỉ có thể lấy nhạc nơi này, nơi kia đặt vào. Nhạc trong phim nhựa cũng chưa được coi trọng đúng mức. Hiện nay, kinh phí đầu tư làm nhạc phim rất rẻ mạt, trong khi thuê nhạc công, khoảng 4 người đã mất thù lao 4 triệu đồng. Như thế, lấy đâu ra những tác phẩm điện ảnh có nhạc phim đúng nghĩa, chưa dám nói là hay.
– “Tiếng dương cầm trong mưa”, bộ phim với sự đầu tư rất kỹ cho phần âm nhạc thì sao?
– Với mức hơn chục triệu đồng làm nhạc, kể ra cũng chẳng thoải mái gì. Chỉ riêng việc thuê một dàn giao hưởng khoảng 70 người biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội để thu âm đã rất khó. Tôi có thuận lợi là tổ chức các chương trình biểu diễn tại đó, nên kết hợp được với thu nhạc phim.
Hiện chúng tôi thu xong một số bản nhạc được sử dụng cho phần quay, để khớp nhạc khi các diễn viên diễn xuất. Toàn bộ phần nhạc của phim, chúng tôi đang thực hiện. Đã lâu mới nhận làm nhạc cho phim nhựa. Tôi muốn lần trở lại này trước tiên để làm nghề, sau là để chơi, chứ không nghĩ đến chuyện hơn thiệt. Các cảnh quay khá lãng mạn của phim gây cho tôi nhiều cảm hứng. 
– Trong xu hướng nhiều đơn vị tư nhân đang bung ra làm phim như hiện nay, việc đầu tư cho nhạc phim sẽ được coi trọng?
– Tôi không nói đến việc âm nhạc góp phần tăng hay giảm doanh thu của phim, nhưng rõ ràng nó góp phần không nhỏ vào thành công của phim. Đáng tiếc, bởi một số đạo diễn ít am hiểu về nhạc. Làm nhạc phim kiểu đoạn này vui cho vào một phút vui, đoạn kia buồn cho vào mấy giây buồn, rồi nhờ hòa âm, phối khí cho ra chất nhạc đó. Như thế, rõ ràng tính chuyên nghiệp trong viết nhạc không còn nữa, nhạc phim bị đẩy xuống vị trí quá thấp. Tôi quan niệm, viết nhạc phim đòi hỏi chuyên nghiệp cao, là dân chuyên nghiệp mới làm được, chứ không phải bạ ai cũng kéo vào làm bừa, làm ẩu, theo kiểu “điếc không sợ súng”.
– Theo ông, đạo diễn là người quyết định tính quan trọng của nhạc nền?
– Đúng, đạo diễn là người chịu trách nhiệm toàn bộ bộ phim. Đạo diễn mời ai làm nhạc là quyền của anh ta, và chính đạo diễn có quyền đề nghị mức đầu tư thế nào cho phù hợp. Tuy nhiên, tôi cũng hiểu, khi tình hình chung, mức đầu tư chung của phim cũng “hẻo” như phần âm nhạc, đạo diễn có trách nhiệm và hiểu biết cũng khó mà đòi hỏi hơn mức thông thường, trừ trường hợp phim thực sự dính dáng đến âm nhạc. Đó là một thực tế đáng buồn.
(Theo Thể Thao Văn Hóa)

1gom