Lê Vinh – Nghệ sĩ lang thang cuối cùng của thế kỷ

Khoảng năm 1996, anh ở dưới chân cầu thang nhà ca sĩ Lan Hương, đêm đêm không ngủ, ra hè phố đốt thuốc. Nỗi buồn đau, tiếc nuối về một mái ấm gia đình đã thôi thúc anh viết nên những giai điệu “Nơi tôi sinh Hà Nội, ngày tôi sinh một ngày bỏng cháy. Ngõ nhỏ, phố nhỏ nhà tôi ở đó, đêm lặng nghe trong gió tiếng sông Hồng thở than…”. Khi nghe bài hát này, có người đã bảo tiếng thở than của sông hay của người nghệ sĩ cô đơn?
Cái tin anh tậu được nhà làm không ít người trong giới ngạc nhiên. Căn nhà mới của Lê Vinh nằm vòng vèo trong ngõ phố Hoàng Hoa Thám với một vườn hoa dại mọc um tùm. Chiếc xe máy của năm 70 đánh dấu đường bằng làn khói trắng pha đen. “Vẫn nhà bạn cho trọ đấy! Không biết bao giờ thì đòi”, anh đã tâm sự với báo Tiền Phong như vậy.
– Căn nhà của anh đã “khang trang” hơn, nhưng vẫn là “nhà bạn trả bạn”. Bao giờ anh sẽ an cư lạc nghiệp?
– “Chuyện dài thế kỷ” đấy! Nhưng được thế này là oách lắm rồi. Hồi ở xóm liều Thanh Nhàn mới khổ. Đến mùa mưa, nước dềnh lên đến ngang mắt cá. Đắp đất theo mực nước lên như Sơn Tinh chống Thuỷ Tinh. Cuối cùng nhìn lên mái nhà chỉ còn cách một gang tay. Thế là “ta” lại ra đi.
– Lúc đó anh đi đâu?
– Đi bụi! Suốt ngày lân la ở chỗ Văn Miếu, ở đấy đám cờ thế rộ lắm. Tôi chơi cờ từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối. Sau đó mò đến nhà bạn… ngủ ké. Sáng ra, bạn đi làm cũng là lúc mình lên đường. Mấy tháng sau, mình đã nổi tiếng là một tay cờ cự phách.
– Nhưng trước đó mấy tháng, anh còn là giáo viên dạy toán, thu nhập và cuộc sống khá thuận lợi. Nhiều người đã bảo anh “hâm” khi từ bỏ tất cả để theo đuổi sự phù du?
– Nghề gõ đầu trẻ không hợp với tính cách của tôi. Phù du ư? Tôi sẵn sàng đón nhận tất cả. Âm nhạc chính là con đường giúp tôi thoát khỏi sự phù du của một đời.
– “Có một mùa hoa cải, nở vàng bên bến sông, em đang thì con gái, đợi anh chưa lấy chồng…”. Người con gái ấy bây giờ ở đâu?
– Đừng hỏi chuyện yêu đương! Bởi các cô gái bây giờ hễ làm quen là liến thoắng: “Anh làm gì? Nhà ở đâu? Thu nhập thế nào?”. Nghe buồn lắm! Tôi thì vô nghề nghiệp, thu nhập lại phập phù…
– Vậy anh sống bằng gì? Vụ kiện bản quyền của anh đã kéo dài 3-4 năm, anh “nuôi” nó và nuôi mình như thế nào?
– Tôi có cách của riêng mình. Tôi tư vấn cho những người muốn sáng tác, nhưng thiếu kinh nghiệm. Tháng thiếu tiền thì vay, nói chung cuộc sống cũng chênh vênh.
– Tại sao anh không bán bản quyền tác giả để… làm kinh tế?
– Tôi không nghĩ tới điều này vào thời điểm chính mình đang bị xâm phạm bản quyền.
– Hiện nay, anh đang có trong tay 100 ca khúc chưa công bố. Phải chăng nhờ những chuỗi ngày tháng thăng trầm mà anh viết được số lượng tác phẩm nhiều như vậy?
– Kẻ đắm thuyền sẽ có cái nhìn từ dưới đáy. Những khi chìm vào thất vọng, tôi lại nhận ra điều mới mẻ, ruột gan hơn. Bởi tôi tin ở cuộc đời và con người. Tin rằng mình sẽ có một mái ấm gia đình.
– Xin cảm ơn anh!
(Theo Tiền Phong, 2/4)

1gom