Những điều cần biết về kính áp tròng

d
Nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi quyết định dùng kính áp tròng.

Kính áp tròng hiện được chỉ định rộng rãi cho hầu hết các loại tật khúc xạ như cận thị, viễn thị, loạn thị, lão thị, sau mổ thủy tinh thể, với điều kiện là bệnh nhân có giác mạc khỏe mạnh và màng nước mắt lý tưởng. Tuổi tác cũng là yếu tố được cân nhắc để bác sĩ chỉ định dùng kính áp tròng.
Kính này giúp ta có một trường nhìn tốt hơn, làm tăng sự tự tin. Nó loại trừ những bất tiện mà kính có gọng đem lại như sự chèn ép của gọng kính lên sống mũi và tai, nhìn mờ khi trời mưa hoặc ẩm… Tuy nhiên, việc tháo lắp và dung nạp loại kính này tương đối khó khăn. Nó đòi hỏi người sử dụng phải có những kiến thức, kỹ năng về vệ sinh mắt và chăm sóc kính. Nếu không, nguy cơ viêm nhiễm là rất lớn.
Các loại kính áp tròng
– Kính tiếp xúc cứng: Phù hợp cho những người loạn thị nặng. Loại kính này không bị uốn cong trên bề mặt giác mạc, không thuyên chuyển được oxy, phải di động trong những lần chớp mắt để lấy các dưỡng chất và loại bỏ chất bẩn cho giác mạc. Mặt sau của kính được thiết kế đa dạng nhằm phù hợp với các cá thể khác nhau. Loại kính này bền, dễ đeo, cho thị lực tối ưu và dễ vệ sinh. Tuy nhiên, nó lại làm giảm lượng ôxy đến giác mạc, gây phù và nhìn mờ nhiều giờ sau khi tháo kính. Nó cũng có thể gây trầy xước giác mạc, hay bị rơi khi đeo.
– Kính thấm khí: Giúp giảm thiểu tình trạng phù giác mạc do thiếu ôxy nhờ có cấu trúc hóa học đặc biệt, có thể thẩm thấu được ôxy từ khí trời và vận chuyển tới giác mạc. Loại kính này cũng dễ chăm sóc, sử dụng được trong 2-3 năm.
– Kính tiếp xúc mềm: Dẻo và rộng hơn 2 loại kính kia, ngậm nước 38-80%. Chúng có thể giãn ra, vừa khít để cho bờ kính chờm được ra ngoài lòng đen, có khi tới tận lòng trắng. Vì thế, người đeo sẽ dễ dàng thích nghi với loại kính này. Nhược điểm của nó là dễ nứt vỡ, hay bị tích tụ các protein và nhầy nhớt, cần chăm sóc kỹ càng hơn.
Hiện đã có loại kính áp tròng chỉ đeo trong 1 ngày rồi vứt bỏ.
Tháo lắp và chăm sóc kính
Sau khi khai thác bệnh sử, thăm khám mắt kỹ càng, bệnh nhân cần làm giác mạc đồ để tính toán độ cong của giác mạc, nhằm chọn được cặp kính vừa vặn nhất. Việc tháo lắp và vệ sinh kính phải được thực hiện theo bản hướng dẫn sử dụng. Trong giai đoạn thích nghi (khoảng 2 tuần), bác sĩ sẽ quan sát các tác dụng phụ của việc đeo kính như đau rát, giảm thị lực… Sau đó, bệnh nhân sẽ được khuyên có nên tăng thời gian mang kính lên tối đa hay không. Lịch thăm khám sau đó sẽ được giảm thưa dần (6 tháng, 1 năm).
Kính phải được rửa sạch và tiệt trùng mỗi ngày. Quy trình rửa nhằm loại bỏ các chất bẩn, bụi, chất nhầy, các chất trang điểm… khỏi bề mặt kính (dung dịch rửa thường bán kèm theo kính). Quy trình tiệt trùng (bằng hóa chất hay nhiệt độ) sẽ thanh lọc các loại vi khuẩn, nấm, virus có thể gây hại cho mắt. Ngoài ra, hằng tuần, nên khử protein bằng dung dịch đặc biệt của nhà sản xuất.
Xử trí các biến cố do đeo kính áp tròng
– Đau rát khi mang kính: Nguyên nhân là mang kính sai kích cỡ, có dị vật lọt vào mắt, kính bị hỏng, xước giác mạc, các viêm nhiễm tại giác mạc… Cần đến gặp bác sĩ ngay.
– Nhìn mờ khi đeo kính: Nguyên nhân là kính quá chật hoặc quá lỏng, đeo kính không đúng số, tích tụ nhầy nhớt tại kính, có thể do bệnh nhân có thêm những vấn đề khác ở mắt. Cần vệ sinh kính bằng dịch khử protein hoặc đến khám bác sĩ nếu cần thiết.
– Cảm giác bỏng rát, ngứa ngáy khi mang kính: Do lạm dụng việc đeo kính áp tròng (đeo quá giờ quy định), giảm chất lượng và số lượng nước mắt, viêm kết mạc có nhú gai khổng lồ, không dung nạp được kính, dị ứng với hóa chất trong các dung dịch. Cần tháo kính và đi bác sĩ ngay.
– Không thể tháo được kính: Do sử dụng kính không phù hợp, thao tác sai khi tháo kính hoặc kính đã rơi ra ngoài mắt nhưng còn nằm lẫn ở mi trên. Cách xử trí là: Đứng trước gương, dùng các loại dịch nhỏ mắt để làm kính nổi lên hoặc trở về vị trí cũ trên giác mạc, sau đó dùng ngón tay nhẹ nhàng tháo kính ra. Nếu các thao tác trên vẫn thất bại thì bạn phải đến gặp bác sĩ để được giúp đỡ.
Ở Việt Nam, do điều kiện vệ sinh, môi trường, nước sinh hoạt còn ở mức thấp nên khả năng viêm nhiễm mắt ở bệnh nhân đeo kính áp tròng là rất lớn. Vì vậy, đeo kính áp tròng không phải là một giải pháp tối ưu.
BS Hoàng Cương, Sức Khỏe & Đời Sống

1gom