Vai trò mới của Ankara ở Trung Đông

Thông thường, Ankara chỉ tuân theo chiến lược của Mỹ hoặc chọn con đường trung lập.
Chuyến công du bất thường của Thủ tướng Abdullah Gul tới Syria, Ai Cập và Jordan để bàn cách tránh một chiến dịch quân sự của Mỹ chống Iraq cho thấy gương mặt mới của Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara hành động với tư cách là thành viên của NATO và ứng viên nhiệt tình của Liên minh châu Âu, làm cầu nối giữa phương Tây và thế giới Ảrập.  
Giới lãnh đạo mới của nước này đã chứng tỏ thành công chỉ trong một thời gian ngắn, từ quyết tâm giải quyết tranh chấp đảo Síp đến các vấn đề khu vực. Dường như Recep Tayyip Erdogan, chủ tịch đảng cầm quyền, đã vượt qua những cản trở và thực sự nắm quyền lãnh đạo đất nước trong tay. Một loạt hành động của Ankara cho thấy chính phủ đã phần nào thoát khỏi ảnh hưởng của giới quân sự. Chính chiến lược của giới này đã hạn chế vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trên trường quốc tế và biến nó thành một công cụ thực hiện các chính sách của Mỹ.
Thái độ của chính phủ ông Gul còn cho thấy họ đã thấu hiểu những tác hại của chiến tranh – không chỉ là sứt mẻ quan hệ với thế giới Ảrập, mà cả những khó khăn sẽ nảy sinh từ vấn đề người Kurd, và tổn hại kinh tế do cuộc chiến gây ra, to lớn đến mức Mỹ cũng khó bù đắp. Bất ổn chính trị chắc chắc nổi lên bởi những cử tri đã bầu cho Erdogan sẽ tức giận nếu ông này cho phép người Mỹ sử dụng lãnh thổ làm bàn đạp tấn công nước láng giềng Iraq.
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có lợi ích lớn nếu cuộc chiến không xảy ra. Nhưng hiện vẫn còn vô số câu hỏi không lời đáp quanh kịch bản này. Luận điểm nào có thể thuyết phục Mỹ không tấn công quân sự Iraq? Điều gì tiếp diễn nếu các thanh sát viên chứng minh rằng Iraq không sở hữu vũ khí bị cấm? Việc ông Hussein từ chức – như gợi ý của Ankara – liệu có phải là giải pháp khả thi? Liệu chính quyền Bush có chấp nhận lời kêu gọi không tấn công Iraq của cả thế giới Ảrập?
Dù điều gì xảy ra, con đường mà Thổ Nhĩ Kỳ đang đi sẽ dẫn đến những điều mới mẻ, nó có thể mở ra thời kỳ hợp tác Ảrập – Thổ. Chưa rõ Mỹ có tận dụng mối quan hệ mới này và không tấn công Baghdad – như Tổng thống Bush đôi lần hàm ý, hay Washington vẫn quyết tâm theo đuổi chiến tranh.
Cũng có thể chuyến đi của ông Gul, trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ, Israel và Mỹ tập trận chung, chỉ là thủ thuật nhằm mua sự ủng hộ của người Hồi giáo. Bởi thực tế là quân đội Thổ đã có mặt trên lãnh thổ Iraq, và quyền lực thực tế điều khiển Ankara nằm trong tay giới quân sự.
T. Huyền (theo Al-Ahram)

1gom