Phim truyền hình đang đi vào lối mòn

Một cảnh trong phim Khỏa nước sông Quy đang chiếu trên VTV1.
Một cảnh trong phim Khỏa nước sông Quy, đang chiếu trên VTV1.

Gần đây, phim truyền hình Việt Nam, đặc biệt là phim phía Bắc, chỉ quanh quẩn mấy vấn đề đã quá quen thuộc, gây cảm giác nhàm chán. Có một dạo, các đạo diễn đổ xô đi làm phim về nông thôn, gà, vịt, ngô, khoai xuất hiện đầy trên màn ảnh như thể một chiến dịch nông thôn hóa phim ảnh. Đến một đợt, đề tài hậu chiến tranh xuất hiện ào ào với không ít cảnh những cô thanh niên xung phong vác… trống về làng khiến báo giới phải lên tiếng là phương hại đến hình tượng người chiến sĩ. Hết chiến tranh lại rộ lên chuyện suy thoái đạo đức gia đình trong thời buổi kinh tế thị trường… Thay vì tìm cách khai thác các khía cạnh khác nhau của một vấn đề thì những bộ phim chủ yếu lại chạy theo một vệt giống nhau, với những thân phận, bối cảnh, tình huống, mâu thuẫn, na ná nhau, nhiều khi còn trùng lặp. Bên cạnh sự yếu kém về đề tài, các bộ phim còn bộc lộ không ít sự đơn giản, sơ sài trong bối cảnh, sự thiếu thuyết phục trong xây dựng tâm lý nhân vật, sự lỏng lẻo trong đường dây dẫn chuyện…
Một vấn đề khác đặt ra cho phim truyền hình là kinh phí. Một số đạo diễn đã nói, họ rất muốn thử sức ở những mảng đề tài phức tạp như cổ trang, miền núi hay chiến tranh, nhưng kinh phí quá hạn hẹp. Hiện tại, mỗi tập phim cho Điện ảnh chiều thứ bảy chỉ được đầu tư khoảng 50 triệu đồng. Theo đạo diễn Vũ Hồng Sơn, đó là con số mà giới trong nghề hay gọi vui là giá sàn, có nghĩa không thể thấp hơn được nữa. Số tiền ấy chỉ đủ làm phim ở quanh Hà Nội, chứ những phim đòi hỏi kinh phí lớn, ít đạo diễn phía Bắc nào dám làm.
(Theo Thanh Niên)

1gom