Thành Lộc: ’Tôi thích cảm giác cô đơn’

NS
NSƯT Thành Lộc trong vở Trùm lừa.

– Một ngày của anh bắt đầu như thế nào?
– Giờ diễn của tôi cũng đa dạng lắm, có khi sáng, có khi cuối tuần, có suất chiều, rồi đi quay TV… Nhưng thông thường các hoạt động giải trí ở sân khấu bắt đầu lúc 8h tối. Như vậy là vào 8h tối, tôi bắt đầu một ngày của mình, thường xuyên là ở sân khấu IDECAF, đôi khi là nơi khác. Người khác thì ’’đánh răng rửa mặt’’, tôi thì ’’đánh mặt’’, có thể kèm cả ’’rửa răng’’ nếu lúc trước tôi kịp ăn một cái gì đó. Gọi một cách sành điệu là make up.
– Anh hay diễn những vai giả gái trong tâm trạng nào như thế nào?
– Khi diễn, tôi như người lên đồng, chẳng hạn như trong vở 12 bà mụ, khán giả sẽ nhận thấy điều này. Nhưng tôi không phải là người thích lên đồng ở ngoài đời mà thích thay đổi. Buổi chiều diễn vai người đàn ông đau khổ đạo mạo, buổi tối lại vào vai người đàn bà nhí nhảnh. Tôi thích thú thấy mình ngộ nghĩnh, tôi chiêm ngưỡng chính mình bằng một con mắt tò mò: sao mình lại làm được thế này nhỉ? Tôi không thích cứ phải diễn mãi một tâm trạng, diễn vai u sầu mãi sẽ khiến cơ mặt mình nhăn nheo. Bởi vậy thay đổi vai diễn cũng là thay đổi trạng thái tinh thần, đóng vai nữ cũng chỉ là một cách thay đổi thôi, nhưng đặc biệt hơn một chút, và không khó gì để mọi người nhận ra sự đặc biệt ấy.
– Sau khi đóng xong một vai nữ nhảy múa tưng bừng, uốn éo đỏng đảnh, anh sẽ mất bao nhiêu thời gian để trở lại là một diễn viên đàn ông?
– Vai nữ lại dễ thoát ra nhất, vì nó nặng về hình thức hơn, và thường là hài kịch nên tôi không bị ám ảnh gì cả. Có những vai diễn mà sau 15-20 suất đầu, tôi bị ám ảnh nặng nề, không thoát ra khỏi nhân vật. Diễn xong những vở Sông dài, Trái tim trong trắng, tim tôi vẫn đập mạnh hơn bình thường. Sau 10 suất đầu vở Sông dài, tôi không về nhà được, tìm một quán nước lề đường nào đó và ngồi xả hết nỗi buồn trong mình. Dạ cổ hoài lang làm tôi buồn rất lâu. Tôi thích cảm giác buồn ấy bởi như thế là mình còn rung động, còn biết xúc động. Vở Trái tim trong trắng nói về nỗi khổ của những người bị án oan, tôi thể hiện vai diễn của mình bằng chính sự cảm thông, sự bất bình của con người Thành Lộc trước cảnh đời. Khi vở diễn kết thúc, mình không thể vui ngay, hay coi như không phải chuyện của mình. Người xem họ còn rung động thì nghệ sĩ không thể thờ ơ, nếu thế, đó chỉ là những người thợ chứ không phải nghệ sĩ.

Hóa trang cho vai diễn.
Hóa trang cho vai diễn.

– Anh có thế mạnh nào trong diễn xuất, hình thể, ngôn ngữ, động tác diễn xuất…?
– Tất cả những thứ đó đều có trong phương thức sáng tạo của tôi, vì tôi được dạy như vậy mà.
– Mỗi đêm khi diễn xong, anh làm việc gì đầu tiên khi bước ra khỏi sân khấu?
– Tôi đi ăn đêm với bạn bè, đồng nghiệp, không nói chuyện sân khấu, thường là kể chuyện tiếu lâm, bậy hẳn hoi đấy, cho đầu óc thư giãn. Nhưng thỉnh thoảng vẫn bị kéo vào công việc, nhất là khi ’’hội’’ có sự tham gia của những em diễn viên trẻ mới vào nghề.
– Thật khó tin khi anh bảo mình hay nói bậy?
– Trước mắt nhiều bạn bè tôi là con người ’’thô” đấy, bao hàm cả nghĩa thô tục, là hay nói bậy. Nói bậy và kể tiếu lâm là cách để giải tỏa stress rất tốt. Khi nói chuyện thô, kèm vài câu chửi thề mình thấy thoải mái như vừa trút ra hết những bực dọc. Mà khi không còn bực tức gì nữa thì lại vui vẻ, lại được lòng mọi người.
– Sau đó vui vẻ ra về để ngủ ngon?
– Chưa chắc. Tôi có thể về hoặc không. Có lần trên đường về tôi gặp mưa, thế là quyết định không về nữa, chạy xe lòng vòng thành phố, đường phố trong cơn mưa không có người, mặt đường bóng loáng đẹp cực kỳ.
– Cảm giác của anh khi đó như thế nào?
– Cô đơn, nhưng không hẳn đã là buồn. Cô đơn là một thuộc tính của con người. Ở đâu, ngồi đâu một mình cũng chỉ là cô độc thôi chứ chưa phải là cô đơn. Có người vợ con gia đình đề huề rồi nhưng vẫn cô đơn dù chắc chắn không cô độc. Tôi cảm nhận nhân vật nhanh hơn có lẽ vì tôi cô đơn và biết chia sẻ. Sống mà không biết đến cô đơn, tức là không có đời sống nội tâm, thì cũng chỉ là một con búp bê nhồi rơm hời hợt thôi.
– Theo anh, sự cô đơn có giới hạn không?
– Tôi chưa cảm nhận được sự tột cùng của cô đơn, nhưng khi đã cảm được nỗi cô đơn thì tự nhiên lại thấy mình sướng lắm. Cũng giống như xem phim, mình cảm động và nước mắt ứa ra, như thế trái tim mình còn biết rung động, tim mình còn sống, chưa đóng băng hay chết.
– Nhưng một người cô đơn giữa đám đông thì có thể sẽ là trọng tâm chú ý?
– Đúng vậy, và thiên hạ quả là nhiều người vô duyên. Tôi thấy khó chịu khi nhiều người cứ quá quan tâm đến sự cô đơn của người khác. Họ hay tự cho mình cái quyền can thiệp vào cuộc sống của người khác dù người ấy chẳng đụng chạm đến ai cả. Nhiều người cứ gặp tôi là hỏi ’’Sao không lập gia đình?’’ Tôi chỉ muốn hỏi lại họ ngay rằng ’’Sao lại phải lập gia đình. Lập gia đình có phải là mục đích tối thượng của đời người không?” Theo tôi, gia đình không thể là thước đo duy nhất giá trị của một đời người, nếu chỉ có thế thì tầm thường quá, con người còn cần nhiều lý tưởng hơn chỉ mỗi chuyện đó.
– Bởi vì người ta vẫn nghĩ rằng có gia đình thì mới có hạnh phúc trọn vẹn, gia đình là tổ ấm cho hạnh phúc nương náu…
– Chưa chắc. Chuyện vợ chồng sống với nhau cả đời mà không hạnh phúc là thường. Hạnh phúc không phải là giá trị bất biến, với người này thế là hạnh phúc rồi, người khác lại cả đời đi tìm hạnh phúc khi mà xung quanh ai cũng tưởng người ấy hạnh phúc. Người ta cứ nghĩ sinh con đẻ cái là duy trì nòi giống. Tôi sống và suy nghĩ theo đạo Phật nên nghĩ hơi khác, sinh ra một con người là sinh ra một ’’nghiệp” mới, chưa hẳn đã tốt đẹp. Nghĩ thế nhưng tôi không đả kích, chê bai cách sống, cách chọn lựa hạnh phúc của người khác và cũng không muốn ai định hình cách sống cho mình.
– Nhưng nếu ’’ai” ở đây là chính gia đình anh thì sao?
– Ngày trước gia đình tôi có một không khí gia trưởng nặng nề. Các anh chị tôi dù đã nổi tiếng, nhưng đi đâu làm gì thì đến giờ ăn cơm vẫn phải về nhà, muốn làm chuyện gì cũng phải có ý kiến của ba. Sau giải phóng miền Nam, gia đình cũng có nhiều sự thay đổi, khi ấy tôi mới 14-15 tuổi, bắt đầu lớn và bắt đầu được làm theo ý mình. Tôi học gì, tốt nghiệp làm việc cho đoàn nào đều tự quyết định. Tôi là người đầu tiên phá vỡ truyền thống gia đình, nhưng may là tôi không hư. Tôi đã xác định là mình sẽ sống một mình nên cũng không phải trăn trở nhiều, nếu một lúc nào đó mình hết một mình thì đó là cái duyên, không cưỡng được.
– Khi về nhà rồi anh thường làm gì trước khi chìm vào giấc ngủ?
– Xem phim. Tôi thích xem nhạc kịch, ballet… những thứ đó cho tôi cảm giác ngây ngất, khi nghe nhạc hay và chiêm ngưỡng tài năng diễn xuất, nghệ thuật tạo hình… Tôi thích xem phim tâm lý của châu Âu nữa, tiết tấu của những phim này đúng với đời sống bên ngoài. Ai không kiên nhẫn không xem phim châu Âu được. Người Âu làm phim kiểu ’’tiền phong” tuyệt hay, như những phim của Peter Gleenaway hay loạt phim Ba Màu – Trắng, Xanh, Đỏ. Trung Quốc và Hàn Quốc cũng có những bộ phim tuyệt vời. Khi cảm thấy không có tâm trạng để xem phim tâm lý xã hội, tôi xem phim kinh dị rất đã.
– Anh có bị mất ngủ vì những bộ phim hoặc rất “đã” hoặc rất đau đầu ấy không?
– Nếu tôi có bị tác động từ bộ phim, tôi cứ để yên cho mình ngấm cảm giác ấy, không đi ngủ. Khi tôi đã lên giường thì không để những chuyện vẩn vơ đi vào đầu mình, nếu khó quá thì thở như Thiền ấy, mình sẽ chỉ nghĩ đến hơi thở thôi. Có khi tôi khóc…
– Anh hay khóc khi nào?
– Khi một mình, khóc mà chỉ có một mình thấy sướng lắm. Đã ngoài 40 tuổi đời mà còn khóc thoải mái không sợ ai cười. Khóc xong tôi tắm rửa cho đã rồi đi ngủ. Ngủ như một lối thoát.
– Mở mắt ra anh sẽ vớ lấy cái gì đầu tiên?
– Tôi bật TV và trước khi màn hình sáng lên tôi thường chờ được nghe một bài hát. Sau khi làm vệ sinh buổi sáng xong xuôi thì cầm lấy một tờ báo xem quanh mình có gì mới không. Lâu lắm rồi tôi không đọc sách.
– Theo anh đọc nhiều có phải là một cách tốt để nghệ sĩ có thêm tri thức đặng ít nhất phục vụ cho việc giao tiếp trước công chúng?
– Chưa chắc. Bởi nói trước công chúng là cả một nghệ thuật, không phải ai cũng có thể hoàn hảo được dù người ấy có thể đọc sách suốt ngày. Mà nói hay chưa chắc đã là biểu hiện của người có học thức. Có một người vừa hát hay, vừa nói hay, có học thức, mà tôi thích, đó là Khánh Ly. Những ai chưa biết cách nói hay thì trước hết hãy biết cách nói ít đã.
– Cảm giác của anh trước khi ra khỏi nhà, có thể đi làm một việc gì đó?
– Nghĩ là giá không phải ra khỏi nhà thì tốt. Ngày nào tôi ngủ dậy mà biết chắc không phải làm gì thì thích lắm. Cứ nằm ườn ra ngủ chán chê thì thôi. Hồi 30 tuổi tôi thấy buồn khi phải ở một mình, bây giờ tôi thấy bình an hơn, ở nhà tôi thấy mình an toàn. Cũng có lúc tôi thừ ra nghĩ mình sẽ làm gì đây nếu khán giả không còn thích mình nữa? Mình sinh ra chỉ để làm nghề này thôi, nếu mất nghề thì sẽ mất nhiều thứ, mất bạn bè.
– Sau tất cả những việc, những suy nghĩ ấy, một nửa ngày của anh gồm những gì?
– Tôi đọc kịch bản ở một quán cà phê nào đó, vì thế mà hay bị nhức đầu. Ra khỏi nhà tôi sợ nhất xe đụng. 5 năm nay tôi ý thức mình sống không phải cho mình nữa, mà vì hàng chục người khác, vì mẹ tôi, vì đồng nghiệp… Họ sẽ bị ảnh hưởng nếu tôi gặp chuyện rủi ro. Tôi mua xe hơi là để mình không phải cầm lái. Có một đạo, đi xe gắn máy, vừa lái xe vừa suy nghĩ khiến tôi bị suy nhược thần kinh.
– Anh không tập thể dục?
– Không. Với tôi, tập thể dục trên sàn diễn là quá đủ, có khi còn quá khủng khiếp nữa, không cần tập thêm.
(Theo Thị Trường Tiêu Dùng)

1gom