Lê Quang: ’Tôi thích chạy hơn là đi bộ’

ú
Nhạc sĩ Lê Quang.

– Chạy quá nhiều có làm anh “cạn” cảm xúc?
– Đó là lý do tôi trở thành một trong những khách hàng tiêu thụ truyện ngắn hiện đại Việt Nam lớn nhất hiện nay. Tôi thường sáng tác nhạc từ những câu chuyện như vậy, nó “đời” lắm. Nhưng đúng là một con đường đi mãi cũng mòn. Tôi đang cố gắng tìm con đường mới, đi sâu vào ngõ ngách của đời thường hơn nữa. 
– Âm nhạc của anh phải chăng giống con người anh: lãng mạn, bay bổng?
– Các bài tình ca của tôi thường mượt mà, lãng mạn. Nhưng con người thật của tôi lại khác hẳn: hình thức xù xì, sống đơn giản, hòa đồng; không yêu điên cuồng, chưa đến mức đau dớn, tiếc nuối vì yêu; không muốn tạo cho mình vỏ bọc đặc biệt, không thích kiểu phong trần, bụi bặm, đội nón lụp xụp, ngồi suy tư hàng giờ trong quán cà-phê. Nhạc của tôi không có nghĩa là phải giống con người tôi.
– Đang rất thành công với các ca khúc thị trường, vì sao anh lại quay sang sáng tác nhạc truyền thống?
– Tôi đam mê lịch sử Việt Nam, vì thế chẳng có gì khó khăn trong việc sáng tác các ca khúc truyền thống. Đề tài này đã được các nhạc sĩ đi trước viết rất xuất sắc, tôi chỉ có thể nhắc lại điểm chung của dân tộc: hào hùng, quật cường, bất khuất. Các ca khúc nhạc trẻ của tôi không hẳn chạy theo thị hiếu. Yêu rồi chia tay, đau khổ là những chuyện bình thường với bạn trẻ. Tôi chỉ việt sao cho dễ hiểu, dễ nghe nhất. 
Tôi rất đồng tình với câu nói của Trịnh Công Sơn: “Con người nhiều nỗi buồn hơn niềm vui”. Sống nhiều, trải nghiệm nhiều, tôi thấy nỗi buồn thường đánh động đến ngóc ngách của mỗi con người. Bản thân tôi cũng chỉ sáng tác khi cảm thấy tâm hồn mình lắng đọng. Còn khi vui tôi thường nhậu, ít khi ngồi viết được một tình khúc hay.
– Anh nghĩ sao khi có người nhận xét: “Âm nhạc của Lê Quang khó trở thành một dòng nhạc riêng cá tính, nó bị tác động quá nhiều bởi nền âm nhạc sôi động như TP HCM”?
– Tôi cảm ơn lời nhận xét này. Tôi là một nhạc sĩ yêu nghề, sống thoải mái được với nghề và tâm huyết với công việc đã chọn. Cũng sẽ có lúc tôi ngồi lại để bắt đầu một cái gì đó mới hơn, sâu sắc hơn. Còn bây giờ mới 37 tuổi, tôi còn trẻ, nên muốn được lăn lộn, làm việc nhiều hơn.
– Trong môi trường âm nhạc nhạy cảm như hiện nay, anh có khẳng định nhạc của anh “100% made in Lê Quang”?
– Tôi thích nhạc Trịnh, nên câu: “Biển đã cháy và rừng đã cạn, nhân loại rồi sẽ về đâu” trong bài Về đâu của tôi gần như copy “Rừng đã cháy và rừng đã héo”, trong Rừng xưa đã khép của Trịnh Công Sơn. Khi đó, tôi có hỏi nhạc sĩ: “Em viết vậy có được không”, nhạc sĩ trả lời: “Em nghĩ sao, em cứ viết vậy đi”. Tôi quan niệm, 1-2 bài đầu có thể bị ảnh hưởng nhạc của người khác, nhưng đến bài thứ 3 thì đó phải là của mình, không thể vay mượn mãi được. Những người tâm huyết, muốn làm việc lâu dài đều phải hiểu điều này. 
(Theo Đẹp)

1gom