Fahrenheit 11/9 – cú đánh mạnh nhằm vào Bush

Đạo diễn Michael Moore nhận giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes, ngày 23/5.
Đạo diễn Michael Moore nhận giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes, ngày 23/5.

Ban giám khảo, gồm một thành viên người Pháp và 4 người Mỹ, đã quyết định trao giải cao nhất của liên hoan phim danh tiếng cho bộ phim tài liệu đầu tiên kể từ năm 1956.
Đạo diễn Michael Moore phủ nhận đây là một bộ phim chính trị. Ông cho biết, Quentin Tarantino, trưởng ban giám khảo, đã bảo ông rằng thông điệp chính trị của Fahrenheit 11/9 không ảnh hưởng đến quyết định của hội đồng giám khảo.
Tarantino đã thì thầm vào tai Moore trên sân khấu: “Chúng tôi muốn ông biết rằng yếu tố chính trị trong phim không liên quan gì đến giải thưởng cả. Chúng tôi không trao giải thưởng chính trị. Ban giám khảo gồm những người có quan điểm chính trị khác nhau, và thậm chí một số người không có quan điểm chính trị nào hết. Ông được nhận giải thưởng vì ông đã làm nên một bộ phim tuyệt vời”.
Fahrenheit 11/9 nói về khoảng thời gian từ khi ông Bush trúng cử, qua giai đoạn 11/9 đến cuộc chiến Afghanistan và Iraq.
Bộ phim tài liệu này đã làm rõ mối quan hệ giữa gia đình Bush và bin Laden, mối liên minh dựa trên thương mại dầu lửa, đã cho phép hàng chục thành viên gia đình ông trùm khủng bố rời Mỹ đến Ảrập Xêút sau vụ tấn công đẫm máu nhằm vào toà tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới đồng thời là cái cớ để Nhà Trắng tiến hành xâm lược Iraq.
Mặc dù muốn nhấn mạnh đến yếu tố chính trị chứ không phải quân sự, Moore cũng cho lên phim cảnh các binh lính Mỹ làm nhục tù nhân Iraq trong khi những người khác ghi lại những cảnh tượng dã man đó bằng camera kỹ thuật số.
Và Fahrenheit 11/9 đã trở thành bộ phim tài liệu đầu tiên được tôn vinh ở vị trí cao nhất của LHP Cannes sau 29 năm. Tác phẩm được đưa ra tại thời điểm các nhà bình luận chính trị cả hai bên bờ Atlantic đều quá thực tế và khôn ngoan để tỏ ra tức giận với cuộc chiến Iraq.
Tại liên hoan phim Cannes năm ngoái, mối quan hệ Pháp – Mỹ đã trở nên tồi tệ đến mức bộ phim này có thể đã gây ra một buộc bạo động. Giờ thì nó gây ra phản ứng tức giận và bực dọc. Một PR người Mỹ nói: “Nó làm tôi muốn đốt hộ chiếu của mình!”.
Fahrenheit 11/9 bắt đầu bằng cảnh Tổng thống Bush, Phó tổng thống Dick Cheney, Cố vấn an ninh quốc gia Condoleezza Rice và Thứ trưởng Quốc phòng Paul Wolfowitz cười hể hả và làm dáng trước khi lên truyền hình. Wolfowitz thậm chí còn có thói quen liếm lược trước khi chải tóc và khán giả đã cười ồ lên khi nhìn thấy cảnh này.
Moore cũng phác hoạ mối quan hệ Texas – Ảrập Xêút thông qua gia đình bin Laden. Bộ phim miêu tả Bush cha khác xa một nhà chính trị về vườn mà là một người tham gia tích cực vào chính trường và công việc kinh doanh, lợi dụng vai trò cựu tổng thống để nhận các nguồn tin tình báo.
Đạo diễn đã đưa vào phim một cảnh tượng kinh hoàng và nực cười khi chiếu khuôn mặt ông Bush nghệt ra khi nghe tin chiếc máy bay thứ hai lao vào toà tháp đôi trong khi người đứng đầu Nhà Trắng đang dự một buổi đọc sách trong trường học. Một chiếc đồng hồ xuất hiện trên góc màn hình với chiếc kim giây điểm từng tiếng một, Bush vẫn tiếp tục đọc My Pet Goat bởi chưa được các cố vấn cho biết phải làm gì.
Cuộc chiến ở Afghanistan qua đi mà không bắt được bin Laden. Chống khủng bố lại tiếp tục là cái cớ an toàn về mặt chính trị để mở màn chiến dịch tấn công Iraq mà trong đó các công ty đã thu lợi lớn khi tham gia các hợp đồng tái thiết. Và Moore đã dẫn khán giả trở lại vấn đề an ninh quốc gia khi nhấn mạnh rằng quân đội Mỹ tuyển dụng những người da đen, da trắng tội nghiệp để tham gia cuộc chiến của ông Bush khi mà số người chết không ngừng tăng lên.
Moore đã làm nổi bật giây phút cảm động khi chiếu cảnh bà mẹ một binh sĩ Mỹ khóc than cho đứa con xấu số bên ngoài Nhà Trắng.
Đạo diễn đã thiếu sót lớn khi không đề cập đến Anh và Tony Blair. Ông đã rất khôn ngoan khi mở đầu bộ phim bằng hình ảnh Bush và Blair trông giống những tên cowboy. Nhưng trong trong phần nói về “liên minh ý chí”, được cho là nhằm hợp pháp hoá việc xâm lược Iraq, đạo diễn đã không đề cập gì đến nước này. Điều này chỉ có thể giải thích bằng việc tác giả muốn nhấn mạnh về tính cô lập và ngạo mạn của Mỹ.
Trong khi đó, những tranh cãi xung quanh áp lực đối với Moore vẫn tiếp diễn. Đạo diễn cho hay Mel Gibson, giám đốc hãng Icon films, được bảo là “đừng hy vọng nhận được lời mời nào từ Nhà Trắng nếu làm phim này”. Gibson đã kiếm được rất nhiều tiền từ bộ phim đang nổi đình nổi đám The Passion of the Christ.
Moore cáo buộc rằng Nhà Trắng tìm cách ngăn không cho phim của ông được chiếu tại Mỹ. Trong khi đó, phát ngôn viên Nhà Trắng bình luận: “Đây là một đất nước tự do. Mọi người có quyền nói những gì họ nghĩ. Ngoài điều đó ra, chúng tôi không bình luận gì”.
Tuy nhiên, Moore không hề giấu hy vọng của ông rằng bộ phim này sẽ ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới. Ông nói: “Tôi không biết bộ phim sẽ có ảnh hưởng như thế nào nhưng những người này (Bush và các quan chức trong chính quyền) đã không kiểm soát được tình hình và chúng tôi, những người Mỹ, đã phải chịu trách nhiệm vì đã để những điều đó xảy ra”.
Ngọc Sơn (tổng hợp)
Độc giả có thể gửi suy nghĩ về sự kiện Fahrenheit 9/11 đoạt giải Cành cọ vàng tại đây:
 
 
 
 

1gom