Nhãn hiệu thời trang châu Á lên ngôi

ohjjk
Thời trang châu Á chinh phục thị trường

Hai hãng thời trang Wykidd Song và Ann Kelly đã trải qua 5 năm xây dựng nhãn hiệu quần áo của Singapore theo phong cách châu Á. Họ cùng dành dụm tiền để bay sang New York và London nhiều lần trong năm và đi từ cửa hàng này sang cửa hàng khác để gom góp những mẫu thiết kế. Hiện các nhà thiết kế này đang nỗ lực vươn ra khỏi Singapore để sang các thị trường lân cận.
Wykidd Song và Ann Kelly thuộc nhóm các nhà thiết kế thời trang khu vực, dốc lòng xây dựng một nhãn hiệu “cây nhà lá vườn”. “Chúng tôi đã quyết định thu hẹp hoạt động ở phương Tây và mở rộng bán lẻ ở châu Á”, Song nói. Người dân Singapore đã trở nên ý thức hơn với nhãn hiệu, và họ sẵn sàng ủng hộ các nhà thiết kế địa phương.
Từ nhiều thập kỷ qua, người tiêu dùng châu Á sẵn sang chi tiền cho những món quần áo đắt tiền đã “găm” các nhãn hiệu phương Tây. Trong khi đó, các nhà bán lẻ phương Tây thường xem châu Á là nơi sản xuất, chứ không phải là nơi thiết kế, quần áo. Vì vậy, những nhà thiết kế châu Á muốn làm ăn lớn phải khăn gói “Tây du” hoặc nỗ lực tập trung vào các thị trường khác.
Song và Kelly thừa nhận, sự thành công sớm của họ chủ yếu nhờ vào doanh thu ở châu Âu và Mỹ. Song học thiết kế thời trang ở Anh và về nước năm 1992. Tại Singapore, Song gặp Kelly, một chuyên viên thiết kế đồ họa xứ Wales đang làm việc ở đây. Hai người lập nhãn hiệu Song+Kelly và chú trọng đến đối tượng khách hàng là phụ nữ có độ tuổi từ 25 đến 35. Bằng tiền riêng và được các công ty như Tag Heuer (sản xuất đồng hồ) tài trợ, họ tham dự các chương trình biểu diễn thời trang ở Australia, New York và London để quảng bá các sản phẩm của mình.
Chỉ trong vòng 5 năm, sản phẩm của Song+Kelly có mặt ở các cửa hàng cao cấp như Neiman Marcus và Barney’s. Song và Kelly năm đó đã bán được gần 600.000 USD sản phẩm. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đã khiến doanh số tại 2 cửa hàng bán sản phẩm Song+Kelly tại Singapore sụt giảm. Hậu quả là do thiếu vốn, Song và Kelly không hoàn thành đơn đặt hàng của Barney’s vào cuối năm 1999. Chính sự việc này đã khiến họ thay đổi chiến lược.
Song và Kelly nỗ lực tìm nhà đầu tư để giúp họ tồn tại. Năm 2000, nhà bán lẻ Singapore Christina Ong mua cổ phần lớn tại công ty của 2 người. Công ty của Ong, Club 21, có thương quyền đối với 30 nhãn hiệu và điều hành các cửa hàng bán lẻ ở 6 nước và vùng lãnh thổ châu Á.
Người phát ngôn của Club 21 tuyên bố họ đủ sức biến Song+Kelly 21 thành một nhãn hiệu toàn cầu. Ông khuyên Song và Kelly nên tập trung vào bán lẻ ở châu Á. Liên doanh Song+Kelly 21 đã khai trương một cửa hàng tại một siêu thị ở Singapore và một cửa hàng khác ở Nhật vào năm 2000. Các cửa hàng ở Bangkok và Kuala Lumpur sẽ được mở trong năm nay. Và những năm tới, các địa điểm được nhắm tới là Hong Kong và Seoul.
Nhiều nhà thiết kế khác cũng đang mở rộng hoạt động ra khu vực. Trong đó có Lulu Cheung, người Hong Kong với có 10 năm sản xuất quần áo mang các nhãn hiệu Nhật. Bên cạnh đó, một nhà thiết kế Hong Kong khác là Pacino Wan cũng đã mở được 8 cửa hàng ở Trung Quốc trong vòng 4 năm.
Nhận xét về tình hình này, Simon Lock, Giám đốc Công ty Australian Fashion Innovations, từng tổ chức nhiều chương trình biểu diễn thời trang ở Australia và Đông Nam Á, nói: “Sau khi sử dụng các nhãn hiệu phương Tây một thời gian, người tiêu dùng châu Á bắt đầu thèm sự đa dạng, một cái gì mới hay khác biệt. Đó là lúc các nhãn hiệu cây-nhà-lá-vườn có cơ hội vươn lên”.
(Theo NLĐ)

1gom