Người Mỹ – những “con nghiện” mua sắm

Một cảnh quảng cáo trên TV.
Một cảnh quảng cáo trên TV.

Lý do rõ ràng nhất là là quảng cáo. Ở Mỹ, quảng cáo là một ngành công nghiệp rất quan trọng, không thể thiếu trong đời sống, kể cả kinh tế lẫn chính trị. Mọi sự đều bắt đầu từ quảng cáo. Để bắt đầu, một doanh nghiệp phải quảng cáo; để bán được hàng – quảng cáo; cần tìm việc làm – quảng cáo; cần tìm người làm – quảng cáo; muốn có nhiều người bỏ phiếu tín nhiệm cho một điều luật mới – quảng cáo; muốn có nhiều người bỏ phiếu bất tín nhiệm – cũng quảng cáo. Các đời tổng thống Mỹ, ông nào cũng phải chi hàng chục triệu đôla cho cuộc đua vào Nhà Trắng.
Tất nhiên, phần lớn quảng cáo có mục đích kích thích tiêu thụ sản phẩm. Những quảng cáo kiểu này có ở khắp mọi nơi và dưới đủ mọi hình thức. Trên đường phố, đài, báo, ti vi, tạp chí, vé xe, vé xem phim, trong rạp chiếu phim, hoá đơn mua hàng, quần áo, biển số xe, tem, phong bì… đều có quảng cáo. Chưa hết, tại những nơi đông người các nhóm túc trực để phát tờ rơi cho khách qua đường. Khi đậu xe ở bãi, lúc quay lại rất có thể sẽ tìm thấy một tờ bướm được kẹp ở dưới cần gạt nước. Đi làm về, hoặc sáng thức dậy trước cửa nhà, trong hộp thư luôn có hàng loạt thư từ, catalogue nói về hàng giảm giá hoặc thực đơn của một số nhà hàng lân cận. Vào những hôm đẹp trời, các công ty lớn còn thuê cả máy bay kéo một dải băng quảng cáo lớn hoặc thuê kinh khí cầu sơn biểu tượng của công ty bay vòng vòng cả ngày. Người ta còn thường xuyên gửi thư điện tử, gọi điện, thậm chí đích thân đi đến từng nhà để giới thiệu sản phẩm và thuyết phục chủ nhân đi mua hàng… Bất cứ lúc nào, ở đâu dân Mỹ đều có cảm giác rằng mình cần phải mua gì đó, phải xem gì đó, phải ăn gì đó, phải đi chơi đâu đó… Nói chung là phải tiêu tiền. Với họ, không tiêu tiền là không thể chấp nhận được!
Nhưng lấy tiền ở đâu để tiêu? Đây chính là bí quyết thứ hai của nước Mỹ: thẻ tín dụng. Được đưa vào sử dụng lần đầu tiên tại New York năm 1950, đến này, thể tín dụng góp phần rất lớn vào việc thúc đẩy và thoả mãn nhu cầu mua bán của người Mỹ.
Người Mỹ xem thẻ tín dụng là một phát minh “kỳ diệu”.Thẻ không chỉ tiện lợi và an toàn mà điều quan trọng là nó cho phép người ta mua hàng bằng tiền… chưa có. Để có được thẻ tín dụng, một người chỉ cần có một công việc ổn định, có nhà hoặc có cái gì đó để đảm bảo họ sẽ trả được nợ. Mua hàng bằng thẻ tín dụng, có thể trả góp từng tháng cộng thêm khoản lệ phí tuỳ theo giá trị số hàng đã mua. Trong hầu hết mọi công việc từ thuê băng nhạc đến mua nhà, đều dùng thẻ tín dụng. Trung bình mỗi người Mỹ đều nợ các công ty cấp thẻ tín dụng khoảng $4.000. Món nợ này không bao giờ được trả vì họ không bao giờ ngừng dùng thẻ.
Việc dùng thẻ tín dụng nảy sinh một thực tế là số chi tiêu một năm đôi còn khi cao hơn tổng thu nhập. Tuy là những người có mức thu nhập cao nhất thế giới nhưng trung bình một người Mỹ chỉ tiết kiệm được không quá 4% tổng thu nhập một năm. Trong khi đó, con số này tại một số nước châu Á là tới 54%.
Ngoài việc tiêu tiền vào mua sắm hàng hoá được tăng hơn mức bình thường vào các ngày lễ của Mỹ như: ngày sinh Martin Luther King, sinh nhật Washington, Ngày Liệt Sĩ, Ngày Lao Động, Ngày Lễ Tạ Ơn… Nhiều công ty, dịch vụ chịu lỗ cả năm chỉ để chờ vào dịp này bù lại. Tuy nhiên, không phải lúc nào sức mua của người Mỹ cũng như mong đợi. Gần đây nhất, K-Mart, hãng bán lẻ thuộc hàng lớn nhất nước Mỹ, phải tuyên bố phá sản do sự xuống dốc của kinh tế Mỹ cuối năm 2001. Hàng hoá của công ty này không tiêu thụ được như mong đợi trong dịp Giáng Sinh.
Đông Ngô (từ San Francisco)

1gom