Mỹ muốn gây chiến với Iraq không chỉ vì dầu mỏ

From: “Dinh Van” To: <[email protected]> Sent: Sunday, February 09, 2003 2:21 PM Subject: My va Iraq (gui muc ban doc viet)
Trữ lượng dầu mỏ của Iraq đứng thứ 2 trên thế giới (xếp sau Ảrập Xêut), chiếm gần 5% trữ lượng dầu của toàn thế giới.
Để chuẩn bị tiến hành cuộc chiến, chính phủ Mỹ hiện nay đã huy động gần 200.000 lính với chi phí ước tính là 200 tỷ USD. Khi chiến tranh xảy ra, không ai có thể nói trước được con số thương vong đối với binh lính 2 bên. Sau khi giải giáp Iraq, Mỹ cũng sẽ phải có trách nhiệm trong việc tái thiết nước này.
Hiện nay các cơ sở của Mỹ ở trong và ngoài nước đều được đặt trong tình trạng báo động. Hơn ai hết Mỹ phải hiểu được ảnh hưởng của cuộc chiến tới nền kinh tế Mỹ, sự tự do và ổn định luôn là điều kiện quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế thị trường.
Nếu nguyên nhân trực tiếp của cuộc chiến là muốn chiếm nguồn dầu mỏ của Iraq thì cái giá mà chính quyền Mỹ phải trả là quá lớn. Mặt khác họ cũng cần đơn phương tiến hành ngay 1 cuộc chiến với Iraq, tránh việc phải chia sẻ “phần bánh” cho các nước còn lại như Pháp, Nga, Trung Quốc, Đức, Nhật… (là những nước có công ty dầu mỏ ở Iraq).
Thế nhưng, Mỹ đã chấp nhận hoãn kế hoạch chiến tranh, chờ đợi báo cáo của phái đoàn thanh sát vũ khí theo nghị quyết 1441 của LHQ. Chính phủ Mỹ có lý của họ khi họ liên tục cáo buộc phía Iraq theo đuổi các chương trình vũ khí huỷ diệt, vũ khí sinh – hoá học. Với việc chấp nhận phán quyết của Hội đồng Bảo an dựa trên các báo cáo của phái đoàn thanh sát vũ khí LHQ, chính phủ Mỹ chứng tỏ họ tự tin vào cái lý của mình.
Đến đây tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của anh Peter Quan và anh Obayashihp về nguyên nhân và mục đích của cuộc chiến, chỉ xin góp thêm 1 ý kiến nữa, đó là việc chính quyền Saddam Hussein đã từng sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc chiến với Iran, sử dụng vũ khí hóa học để đàn áp người Kurd làm hàng nghìn người chết. Người Mỹ và Tây Âu cũng đã từng trợ giúp Iraq trong cuộc chiến với Iran, giúp Iraq đào tạo 1 đội ngũ các nhà khoa học trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân; ông Kessinger đã thừa nhận: “Of course he (Saddam Hussein) was a bad guy, but he was our bad guy”. Vì vậy hơn ai hết Mỹ và Tây Âu phải hiểu được tiềm năng về vũ khí huỷ diệt của Iraq và đối thủ của họ (Saddam Hussein).
Như vậy, cuộc chiến của Mỹ nhằm vào Iraq là dựa trên những mối lo ngại có cơ sở. Đó cũng là mối lo ngại của cộng đồng quốc tế, khi chứng kiến hàng loạt nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ về vấn đề thanh sát vũ khí và giải giáp Iraq đã trở thành 1 cuộc chơi cút bắt với phía Iraq.
Việc CHDCND Triều Tiên mới đây thừa nhận vẫn bí mật theo đuổi các chương trình vũ khí hạt nhân và công khai thách thức Mỹ và đồng minh làm nhiều người phân vân về mục đích cuộc chiến chống Iraq của Mỹ.
Việc Bắc Triều Tiên đột ngột tuyên bố đơn phương rút khỏi hiệp ước đã ký với Mỹ, tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân là hoàn toàn bất ngờ, nhất là trong khi quan hệ hai miền Triều Tiên đang được cải thiện, Mỹ và Nhật đang có chương trình viện trợ cho Bắc Triều Tiên. Sau tuyên bố trên, các khoản viện trợ nước ngoài đã bị cắt bỏ, cuộc sống của người dân CHDCND Triều Tiên đang ngày càng tụt hậu do chính sách đóng cửa tự cô lập của chính quyền Bình Nhưỡng. Nên nhớ là trong những năm gần đây, nạn đói liên tục diễn ra ở Bắc Triều Tiên.
Trong tình thế như vậy, có nhiều lý giải về tuyên bố của Bắc Triều Tiên. Ví dụ như họ lo sợ Mỹ sau cuộc chiến với Iraq sẽ rảnh tay để đối phó với họ, hoặc có thể do bị 1 thế lực giật dây điều khiển, cũng có thể do “túng quá làm liều”…
Dù thế nào thì việc chính quyền Bắc Triều Tiên đem vũ khí nguyên tử ra để mặc cả là điều không thể chấp nhận và đi ngược lại với những nỗ lực của thế giới tiến bộ, nhất là trong bối cảnh cuộc sống người dân còn đang bị nan đói đe dọa và phụ thuộc rất nhiều vào các chương trình viện trợ của quốc tế.
Chính phủ Mỹ hiện nay đang phải phân tâm để lo đối phó với cả Iraq và Bắc Triều Tiên. Đây là 1 bài toán nan giải cho Mỹ, họ buộc phải cân nhắc thực lực mỗi bên, đánh giá về nguy cơ và mức độ ảnh hưởng của cuộc chiến… Mỹ không thể cùng 1 lúc đối đầu với cả hai nước, họ phải chọn 1 giải pháp có lợi nhất. Mỹ chọn con đường đối thoại với Bắc Triều Tiên, nhưng điều đó không có nghĩa là chính phủ Mỹ sẽ bỏ quên Bình Nhưỡng trong khi dồn quân vào khu vực Trung Đông.
Chiến tranh nổ ra, nạn nhân của nó cũng vẫn chỉ là những người dân thường vô tội. Với nhân dân Iraq, họ đang là nạn nhân của chế độ độc tài; với nhân dân Triều Tiên, họ phải gánh chịu hậu quả của một chính sách đóng cửa, đi ngược lại với những nỗ lực của thế giới tiến bộ; còn với người dân Mỹ, họ đã trở thành mục tiêu của các vụ khủng bố do chính sách hiếu chiến của Mỹ đem lại.
Chiến tranh là điều không ai mong muốn nhưng theo tôi trong tình hình hiện nay sẽ không có giải pháp nào khác khả dĩ thay thế.
Xin chân thành cảm ơn.

1gom