Thế giới phản đối việc Mỹ rút khỏi Kyoto 1997

d
Thủ tướng Schroeder và Tổng thống Bush trong cuộc gặp ngày 29/3.

Trong cuộc gặp, Tổng thống Bush nói rõ ông sẽ không thay đổi quyết định, không ký một thỏa thuận nào có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ, mặc dù Mỹ sẵn sàng hợp tác với Đức, cùng triển khai những công nghệ mới nhằm giảm lượng khí cacbonic phát thải.
Thụy Điển coi quyết định của ông Bush là sự khiêu khích đáng phẫn nộ. Nhật Bản đề nghị Washington nghĩ lại, còn Australia thì nhắc nhở Mỹ rằng với nền sản xuất khổng lồ của mình, Mỹ có trách nhiệm cắt giảm lượng khí nhà kính, góp phần ngăn chặn sự thay đổi khí hậu toàn cầu. Ngay cả Anh, một nước xưa nay luôn là đồng minh của Mỹ, cũng cho rằng quyết định của ông Bush là “hết sức nghiêm trọng”.
Các quốc đảo ở khu vực Thái Bình Dương thông báo: Nước biển dâng lên do hiện tượng nóng lên toàn cầu sắp xóa họ khỏi bản đồ thế giới. Ông Baranika Etuati, quyền Giám đốc Cơ quan Môi trường và Bảo tồn Kiribati (một nước CH ở Thái Bình Dương), khẳng định: “Đây là một vấn đề kinh tế nghiêm trọng, là sự sống còn của chúng tôi”.
Chủ tịch Ủy ban Môi trường EU, bà Margot Wallstroem, cảnh báo Mỹ không nên xem thường vấn nạn thay đổi khí hậu. Một đoàn đại biểu cấp cao của EU sẽ đến Washington trong tuần tới để thuyết phục Tổng thống Bush thay đổi quyết định.
Ngay ở trong nước Mỹ, Tổ chức Liên minh các nhà Khoa học Hữu quan (UCS) cũng tuyên bố rằng quyết định của ông Bush là hành động chống môi trường nguy hiểm nhất của một tổng thống Mỹ trong lịch sử hiện đại.
Mỹ và Nghị định thư Kyoto về khí hậu
Kyoto 1997 buộc 38 quốc gia công nghiệp phải hạn chế phát thải khí nhà kính (chủ yếu là cacbonic), nhằm ngăn chặn hiện tượng nóng lên toàn cầu. Theo đó, muộn nhất là năm 2012, 38 nước phải cắt giảm lượng khí thải với mức trung bình 5,2% so với những năm 1990, riêng Mỹ phải giảm 7%. Lý do là dân số nước này chỉ chiếm 6% trong tổng dân số thế giới, nhưng nền sản xuất khổng lồ của họ lại gây ra 25% tổng lượng cacbonic toàn cầu. Nghị định thư không thể được thi hành triệt để nếu thiếu sự tham gia của Mỹ.
Nhưng Washington cho rằng nội dung Kyoto 1997 có điểm không hợp lý, vì chỉ tập trung vào các nước công nghiệp mà không ràng buộc thế giới thứ ba, trong khi Mỹ là nước tạo ra nhiều của cải hơn bất kỳ một quốc gia nào khác. Ngoài ra, ông Bush cũng sợ rằng nếu thi hành Kyoto 1997, các nhà máy điện ở Mỹ sẽ phải hạn chế sản xuất, như thế có thể gây ra khủng hoảng năng lượng trên toàn quốc.
Đoan Trang (theo BBC, Reuters, TTXVN 30/3)

1gom