Nhóm điệp viên Afghanistan của CIA truy tìm bin Laden

Giám đốc CIA George Tennet.
Giám đốc CIA George Tennet.

Mỗi tháng một lần, những người này lại xác định xem bin Laden đang ở trụ sở hay trại huấn luyện. Sau đó, CIA sẽ tiến hành kiểm chứng qua các nguồn tin tình báo khác hoặc qua hình ảnh chụp được qua vệ tinh.
Trong một số dịp hiếm có, các điệp viên Afghanistan cung cấp địa điểm cụ thể và CIA có thể nhận được 3 – 4 xác minh khẳng định nơi ẩn trốn của bin Laden. Còn hầu hết thời gian, họ để mất dấu nhà triệu phú gốc Ảrập.
Sự tồn tại của nhóm điệp viên – một trong những bí mật hàng đầu của CIA trong những năm qua – cho thấy Mỹ đã đầu tư nhiều hơn vào việc tìm kiếm bin Laden ở Afghanistan so với tuyên bố. Tuy nhiên, họ không bao giờ tấn công dựa vào những thông tin do nhóm này cung cấp.
Trùm khủng bố vẫn tồn tại dù chính quyền dung túng ông ta đã sụp đổ và hàng trăm binh lính Mỹ đang hiện diện ở Afghanistan.
Các kế hoạch của CIA
Việc thành lập đội tìm kiếm nằm trong chiến dịch bí mật của CIA nhằm bắt giữ hoặc giết chết trùm khủng bố do chính quyền cựu tổng thống Clinton đưa ra và Tổng thống Bush kế tục. Trên thực tế, ông Bush đã xem xét một dự án đầy tham vọng tiêu diệt bin Laden và mạng lưới Al-Qaeda vào mùa hè năm 2001 trước khi các cuộc tấn công hôm 11/9 diễn ra.
Hội đồng an ninh quốc gia đưa ra dự thảo chương trình hành động bí mật mới của CIA trị giá 200 triệu USD/năm với hai giai đoạn. Thứ nhất, cơ quan này sẽ làm mất ổn định ban lãnh đạo Taliban ở Afghanistan. Thứ hai, tổ chức của bin Laden sẽ bị triệt phá trên toàn cầu. Kế hoạch chưa kịp trình lên Tổng thống Bush thì những kẻ khủng bố đã tiến hành vụ 11/9.
Kể từ cuộc tấn công, ông Bush đã thực hiện chiến dịch rộng khắp chống lại bin Laden. Những hoạt động bí mật ở Afghanistan và khắp nơi trên thế giới sẽ tiêu tốn khoảng một tỷ USD.
“Tìm kiếm ông ta”
Kẻ cầm đầu khủng bố đã bị nhóm điệp viên Afghanistan truy lùng. Người ta không đưa ra mật mã tên gọi của đội cũng như nhận dạng những thành viên.
Một nguồn tin cho biết nhóm này gần như lúc nào cũng nắm được địa điểm của bin Laden. Nhưng các quan chức CIA, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc lại nghi ngờ báo cáo của đội do không có xác minh độc lập và đôi khi các nguồn tin tình báo khác đưa thông tin trái chiều.
Vấn đề chính là chuyển những thông tin đó thành hành động. Trước sự kiện 11/9, chính sách của Mỹ trong thời kỳ Clinton và 8 tháng đầu trong nhiệm kỳ của Tổng thống Bush yêu cầu phải khẳng định bin Laden ở một địa điểm cụ thể trong 6-10 tiếng tới, thời gian tối thiểu để bắn tên lửa Tomahawk từ một con tàu hoặc tàu ngầm cách đó khoảng 1600 km trên biển Ảrập.
Một điệp viên nói: “Chúng tôi không bao giờ có thể chắc chắn ông ta ở đâu trong tương lai để tiến hành tấn công. Đó là cuộc rượt đuổi điên khùng”.
Nguồn tin đáng tin cậy?
Một thành viên khác cũng cho rằng: “Ai có thể khẳng định bin Laden sẽ ở trong lều trại nào trong 10 tiếng nữa? Ông ta có thể đi dạo hoặc ở ngoài phố, hay đang họp, thậm chí có thể biến mất mà không có lý do”. Nhưng một cựu quan chức chính quyền Clinton lại nói: “Chúng tôi không muốn dựa vào một nguồn tin duy nhất”.
Trên thực tế, nỗ lực giết bin Laden công khai nhất rõ ràng không liên quan đến hoạt động tình báo của nhóm này. Năm 1998, Tổng thống Clinton ra lệnh tấn công bin Laden bằng tên lửa Tomahawk. Quân đội Mỹ đã bắn 70 tên lửa tới trại Khost gần biên giới Pakistan. Khi đó, người ta cho rằng trùm khủng bố đang tham dự một cuộc họp của mạng lưới Al-Qaeda. Tuy nhiên, ông ta đã rời địa điểm này khoảng một giờ trước khi vụ tấn công diễn ra. Phần lớn tin tức dẫn đến quyết định của Tổng thống Clinton được thu thập từ những cuộc đàm thoại cho thấy bin Laden đã ra lệnh các thành viên sẽ gặp gỡ vào ngày hôm đó tại Khost.
Dù không bắt được trùm khủng bố, đội vẫn hoạt động từ đầu năm 1998 cho đến hôm 11/9 và là vốn quý nhất của CIA. Họ có thể được chia thành các nhóm tìm kiếm nhỏ hơn và cung cấp tin hàng ngày đến “Điểm gác bin Laden” – một đơn vị đặc biệt có nhiệm vụ giám sát trùm khủng bố và mạng lưới Al-Qaeda.
Tất cả các điệp viên được trả khoảng 1.000 USD/tháng. Vì lương thấp nên người ta gọi đội này là “tình báo rẻ mạt”. Dù vậy, họ là những người rất táo bạo và luôn phải đương đầu với nguy hiểm.
Cơ hội bắt được bin Laden càng ngày càng khó khăn hơn, đặc biệt là sau vụ tấn công bằng tên lửa Tomahawk hồi năm 1998. Và cả ông Clinton lẫn ông Bush đều chưa tiến hành cuộc tấn công quy mô và chứa đựng nhiều rủi ro hơn như đưa lực lượng đặc nhiệm vào Afghanistan để tiêu diệt ông ta. Lý do là nhà triệu phú gốc Ảrập luôn được Taliban che chở rất cẩn thận.
Ngay trước vụ tấn công hôm 11/9, đội này đã để mất dấu bin Laden. Một quan chức nói: “Giờ đây, họ là chiến binh. Thật mỉa mai vì thay con số15, hiện có hàng nghìn người cùng tìm kiếm một người”.
Hạnh Dung (theo Washington Post)
 
 

1gom