Saddam Hussein và ’người bạn cũ’ Ronald Reagan

untitled-18-1348608032_480x0.jpg
Saddam Hussein (phải) và Donald Rumsfeld, đặc phái viên của Ronald Reagan.

Reagan đã đứng đầu Nhà Trắng 2 nhiệm kỳ trong suốt thời gian diễn ra chiến tranh Iran – Iraq.
Saddam đưa quân vào Iran ngày 20/9/1980 với mục tiêu giành quyền kiểm soát Shatt al-Arab, con sông tạo thành biên giới giữa hai nước và để từ đó có thể dễ dàng tiến vào vịnh Persian.
Khi đó, chính phủ Mỹ muốn kìm chân Iran vì nước này mới trở thành kẻ thù của Washington sau cuộc cách mạng Hồi giáo do giáo chủ Ruhollah Khomeini tiến hành năm 1979. Các con tin người Mỹ bị bắt cóc và Reagan vừa mới được bầu làm tổng thống. Cựu ngôi sao Hollywood đắc cử một phần vì đã chỉ trích người tiền nhiệm Jimmy Carter không thể giải cứu các con tin.
“Mỹ và Saddam Hussein có cùng cách nghĩ tại thời điểm đó bởi Washington muốn phá huỷ cuộc cách mạng Iran”, Zekki Daoud Jabber, thiếu tướng Iraq đã nghỉ hưu, bình luận. Khi Reagan lên làm tổng thống, Jabber phụ trách thông tin và hệ thống radar của quân đội Iraq. Gần như ngay từ đầu cuộc chiến, máy bay do thám do Ảrập Xêút thuê của Mỹ đã được sử dụng để chuyển những thông tin tình báo cho quân đội Iraq. “Điều đó là rất quan trọng đối với chúng tôi bởi nó cho phép quân đội Iraq biết vị trí của các máy bay Iran và những nơi họ sẽ không kích”, Jabber nói.
Sự hậu thuẫn cho chế độ Saddam có lẽ đã được tăng cường ngay thời gian sau đó nhưng Nhà Trắng đã mất một thời gian để sắp xếp. Reagan đi bước đầu tiên tháng 11/1983 khi ông loại Iraq khỏi danh sách “các quốc gia hậu thuẫn khủng bố”. Quyết định đó mở đường cho quan hệ ngoại giao và hợp tác kinh tế toàn diện giữa Iraq và Mỹ.
Những tháng tiếp theo, Reagan đã cử phái viên tới Baghdad để chuyển một lá thư cá nhân cho Saddam Hussein. Phái viên đó chẳng ai khác là Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld hiện nay.
Rumsfeld cũng đã gặp gỡ ngoại trưởng Iraq Tariq Aziz. Theo tài liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ, Rumsfeld đã nói với Aziz rằng “Mỹ và Iraq chia sẻ nhiều lợi ích chung” và chính quyền Reagan “sẵn sàng làm nhiều hơn nữa để giúp đỡ Iraq”. Năm 1984, ông Aziz – hiện đang bị giam giữ vì nằm trong danh sách mà Mỹ cho là cần bị truy nã hoặc tiêu diệt – đã tới Washington và gặp Reagan tại Nhà Trắng. Sau cuộc gặp đó, Mỹ đều đặn cung cấp thông tin tình báo ở vùng Vịnh cho Iraq và thiết lập mối liên hệ trực tiếp giữa Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và sứ quán Mỹ tại Baghdad.
Trong quãng thời gian đó, chính quyền Reagan phớt lờ những báo cáo rằng Saddam đang sử dụng vũ khí hoá học để chống lại quân đội Iran và lực lượng nổi dậy người Kurd. “Trong khi chỉ trích việc Iraq dùng vũ khí hoá học, Mỹ thấy rằng việc Iran kiên quyết không từ bỏ mục tiêu xoá bỏ chính phủ hợp pháp Iraq là đi ngược lại các quy tắc đã được chấp nhận”, một thông cáo báo chí của Mỹ đã viết. Jabber nói rằng chính quyền Reagan đã không nỗ lực thực sự để ngăn Iraq sử dụng vũ khí hoá học. “Mọi việc chúng tôi làm đều được Mỹ thông qua. Nhà Trắng biết chúng tôi đã lên kế hoạch sử dụng vũ khí hoá học để đánh lại quân đội Iran khi họ tiến vào lãnh thổ Iraq. Chúng tôi đã thông báo với Washington điều đó và họ tiếp tục giúp đỡ chúng tôi”, Jabber nói.
Khi cuộc chiến diễn ra, các chiến thuật của Saddam ngày càng trở nên tàn ác. Ông ta đã phát động chiến dịch Anfal ở phía bắc Iraq nhằm quét sạch người Kurd, những người vì mệt mỏi với chế độ của Saddam và bắt đầu nghiêng sang Iran. Chiến dịch đó khiến hàng chục nghìn người Kurd thiệt mạng. Hàng trăm nghìn người bị đưa đi khỏi làng mạc của họ và nhà cửa của họ bị san phẳng. 
“Tôi còn nhớ rất rõ”, Rafat Abdel Mohammed Amin – trưởng trại tị nạn Benslawa của người Kurd ở Arbil, phía bắc Iraq – nói. “Những binh sĩ của Saddam Hussein đến vào một buổi sáng. Họ mang máy ủi đến phá huỷ nhà cửa của chúng tôi ngay khi chúng tôi ra khỏi nhà. Sau đó họ cấp cho chúng tôi những túp lều để trú ẩn. Chúng tôi bị bao quanh bởi những trạm kiểm soát của quân đội Iraq”. Chính quyền Reagan gần như không để ý gì đến chiến dịch Anfal. Trong khi quân đội Mỹ không làm gì để bảo vệ người Kurd ở Iraq thì họ lại trực tiếp đánh Iran. Ngày 8/10/1978, tàu chiến Mỹ đã phá huỷ 2 tàu tuần tra của Iran ở vịnh Persian. Sau đó, vào ngày 18/4/1988, tàu chiến Mỹ đánh nổ tung 2 tàu khai thác dầu của Iran, làm chìm một tàu khu trục và phá huỷ một tàu tên lửa của Iran. “Mỹ đã hậu thuẫn Saddam Hussein bởi nghĩ rằng họ sẽ hưởng lợi từ mối quan hệ với Saddam. Mọi quốc gia đều làm như thế. Khi họ thay đổi quan điểm thì họ lại muốn lật đổ Saddam và họ tiến hành chiến tranh chống lại ông ta”, Amin nói.Nhưng những ký ức về việc chính quyền Reagan ủng hộ Saddam thì vẫn không phai mờ tại khu vực phía bắc Iraq, nơi 150 nghìn người Kurd vẫn sống trong các trại tị nạn. 17 năm sau khi Saddam san phẳng những ngôi nhà của họ ở Hallabja, những bức tường đất và những tấm bạt vẫn là mái nhà của Aftow Khafood ở trại tị nạn Benslawa.
“Chúng tôi muốn cải thiện điều kiện sống. Khi trời mưa, chúng tôi lo sợ vì những ngôi nhà có thể sụp xuống đầu. Chúng tôi muốn trở về nhà và sống như những người khác trong những ngôi nhà bình thường”, Khafood nói.
Ngọc Sơn (theo Asia Times)

1gom