Đồng loạt tăng biên chế ngành tòa án và viện kiểm sát

Trong năm 2004-2005, tổng biên chế của TAND các cấp là 12.024, tăng 2.501 so với năm hiện nay. Trong đó, TAND tối cao là 603 người, tăng 80 so với hiện nay. Số tăng mới chủ yếu bổ sung cho tòa hình sự (12 người), tòa dân sự (13 người) và ban thư ký (10 người) nhằm tăng cường công tác giám đốc thẩm và giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm – loại đơn có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây (mỗi năm tăng khoảng 2.000 vụ).
Tổng biên chế của TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2004-2005 là 3.599, trong đó số thẩm phán TAND cấp tỉnh là 1.118. So với năm 2003 thì số biên chế tăng thêm 535, trong đó dự kiến tăng chủ yếu cho những tỉnh được chia tách.
Tổng biên chế năm 2004-2005 của TAND cấp huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh là 7.822, trong đó số thẩm phán là 3.690. So với năm 2003, số biên chế bổ sung là 1.886. Số biên chế tăng mới chủ yếu bổ sung cho những tòa huyện được thực hiện thẩm quyền xét xử mới theo quy định tại khoản 1, điều 170, Bộ luật tố tụng hình sự và các TAND cấp huyện được thành lập mới do chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính.
Đối với tòa án quân sự trung ương, do số vụ việc phải thụ lý, giải quyết hằng năm tăng không nhiều và biên chế các tòa này vẫn bảo đảm thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, kể cả khi tăng thẩm quyền xét xử về hình sự cho các tòa khu vực trong thời gian tới, nên trong năm 2004-2005, biên chế vẫn được giữ nguyên như hiện nay. Tức là tổng biên chế của Tòa án quân sự trung ương là 54 người, trong đó số thẩm phán là 19; của Tòa án quân sự quân khu và tương đương là 108, trong đó số thẩm phán là 54; của Tòa án quân sự khu vực là 153, trong đó số thẩm phán là 68.
Theo Chánh án TAND tối cao Nguyễn Văn Hiện, căn cứ để tăng biên chế là tính chất, biên chế tối thiểu của TAND các cấp, định mức xét xử của thẩm phán (cấp huyện là 40-60 vụ/năm; cấp tỉnh là 50 vụ/năm) và số vụ án phải giải quyết. Đa số địa phương miền Bắc, miền Trung và TP HCM có thể tuyển dụng được nguồn cán bộ có đủ tiêu chuẩn. Riêng các địa phương vùng sâu hoặc miền núi có khó khăn về cán bộ nên TAND tối cao sẽ áp dụng biện pháp thi tuyển hoặc xét tuyển những cán bộ đủ tiêu chuẩn ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung và TP HCM để điều động cho các địa phương còn thiếu.
Tổng biên chế, số lượng kiểm sát viên, điều tra viên của VKSND các cấp trong 2 năm 2004-2005 sẽ là 11.847, tăng 2.347. Biên chế VKSND tối cao là 698, tăng 28 so với hiện nay. Trong đó, có 170 kiểm sát viên, 14 điều tra viên cao cấp.
Tổng biên chế của VKSND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là 4.176, tăng 609 so với hiện nay. Trong đó có 2.407 kiểm sát viên. Tổng biên chế của VKSND cấp huyện là 6.973, trong đó có 5.015 kiểm sát viên.
Tương tự với tòa án quân sự, VKS quân sự các cấp cũng không có nhu cầu tăng biên chế. Do đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định giữ nguyên biên chế như hiện nay. Cụ thể, VKS quân sự trung ương có 55 biên chế, trong đó có 25 kiểm sát viên, 5 điều tra viên. VKS quân sự quân khu và tương đương có 194 biên chế, trong đó 150 kiểm sát viên. VKS quân sự khu vực vẫn giữ 297 biên chế, trong đó có 219 kiểm sát viên.
Theo Viện trưởng VKSND tối cao Hà Mạnh Trí, căn cứ để tăng biên chế là định mức công việc của kiểm sát viên, số lượng vụ án thụ lý, biên chế tối thiểu của VKSND các cấp.
Cũng trong chiều nay, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc tiếp nhận, phân loại, xử lý, đơn thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cá nhân, cơ quan, tổ chức gửi Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các thành viên của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Theo Trưởng ban Dân nguyện Lê Quang Bình, nghị quyết ra đời sẽ khắc phục tình trạng đơn thư gửi tới bị chuyển lòng vòng hoặc chậm được xử lý.
Theo nghị quyết, từ ngày 15/7, đơn thư của cá nhân, cơ quan tổ chức gửi đến Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch, Phó chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội sẽ do Ban Dân nguyện tiếp nhận, phân loại và chuyển đến Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội theo lĩnh vực phụ trách.
Đơn thư gửi đến Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội được xử lý như sau: Đơn thư thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội do các cơ quan này xử lý theo thẩm quyền. Đơn thư không thuộc lĩnh vực phụ trách của các cơ quan trên thì có thể chuyển đến Ban Dân nguyện.
Ban Dân nguyện giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp nhận, nghiên cứu, xử lý đơn thư khi tiếp công dân, xử lý những đơn thư có nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực phụ trách của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội; tiếp nhận, xử lý những đơn thư không thuộc lĩnh vực phụ trách của các cơ quan kể trên; tiếp nhận, phân loại, cập nhật đơn thư và kết quả giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền để chuyển đến Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội; tổng hợp báo cáo về việc tiếp nhận, nghiên cứu, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cá nhân, cơ quan tổ chức gửi tới Quốc hội, các quan của Quốc hội và thành viên của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Nghị quyết cũng quy định rõ, thường trực Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội định kỳ 6 tháng, một năm báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc tiếp nhận, nghiên cứu, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Trước đó, sáng cùng ngày, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo. Văn bản này có hiệu lực từ 15/11.
Như Trang

1gom