Cho mượn pháp nhân, doanh nghiệp lãnh “đòn”

Theo bản án kinh tế sơ thẩm, ngày 31/5/1996, TDI ký hợp đồng tín dụng, vay VP Bank số tiền 1,5 tỷ đồng thời hạn 6 tháng để bổ sung vốn kinh doanh. Tiếp đó, ngày 7/6/1996, TDI ký kiếp hợp đồng vay thêm 1,5 tỷ đồng. Cho đến nay, TDI không thực hiện đúng nghĩa vụ thanh toán nợ theo 2 hợp đồng trên, còn nợ VP Bank hơn 2,4 tỷ đồng. VP Bank đã nhờ tòa giải quyết, và được Tòa kinh tế TAND Hà Nội chấp thuận, buộc TDI hoàn trả toàn bộ nợ, lãi nói trên.
Không nhận, không sử dụng vốn
TDI đã kháng cáo với lý do họ không hề nhận và sử dụng vốn vay trong 2 hợp đồng nêu trên. Cụ thể, TDI chỉ làm thủ tục xin vay và ký hợp đồng tín dụng với VP Bank, để giúp ông Nguyễn Tiến Long, thành viên Hội đồng quản trị VP Bank, vay vốn. Ông Long mới là người nhận và sử dụng số tiền này. “Cho nên ông Long phải có trách nhiệm trả nợ, còn công ty không có nghĩa vụ trả nợ thay”, đại diện TDI kết luận.
Nhưng vẫn phải trả nợ
Theo lập luận của VP Bank trong phiên phúc thẩm, TDI là doanh nghiệp có tư cách pháp nhân và giám đốc đã trực tiếp đứng ra thương thảo, ký kết các hợp đồng tín dụng nêu trên. Do đó không ai khác, TDI phải gánh chịu toàn bộ những hậu quả phát sinh từ hợp đồng mà họ đã ký kết. Việc TDI cho ông Long sử dụng tiền vay là quan hệ riêng của công ty.
Tòa phúc thẩm đã chấp nhận lập luận trên của VP Bank, và tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm. Tòa cũng dành quyền cho TDI khởi kiện ông Long trong một vụ kiện khác.
Nhận xét về trường hợp này, một chuyên gia Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp cho rằng, phán quyết của tòa phần nào cảnh tỉnh những doanh nghiệp đang thực hiện các hành vi cho mượn tư cách pháp nhân như TDI.
(Theo Đầu Tư)

1gom