Thực tại Iraq và ảo tưởng của Bush

Tổng thống Mỹ Bush vừa khởi nguồn cho một cuộc “oach tạc” của các phương tiện truyền thông hôm thứ hai khi diễn thuyết tại Army War College ở Carlisle, Pennsylvannia. Ông cần có nhiều buổi xuất hiện trước công chúng như thế để khẳng định sự có mặt của lính Mỹ tại Iraq ở thời điểm tình hình đang xấu đi là đúng đắn. Mục đích của bài phát biểu đầu tiên này là để thuyết phục người Mỹ rằng kế hoạch Iraq của ông vẫn đi đúng hướng.
Trong khi Bush đang cố gắng ghi điểm trước công chúng thì LHQ cân nhắc bản dự thảo nghị quyết về tương lai của Iraq do Mỹ – Anh soạn thảo. Sự thực thì rõ ràng như một ngón tay, còn đây là ông Bush – người đẩy nước Mỹ vào cuộc chiến được lựa chọn tại Iraq mà không cần sự cho phép của LHQ. Đây là vị tổng thống mà chỉ tháng 9/2002 còn cảnh cáo tổ chức lớn nhất thế giới rằng cần nghe theo ý muốn của ông về vấn đề Iraq nếu không sẽ bị gạt ra rìa. Tuy nhiên, tối thứ hai vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Bush, nước Mỹ đợi cơ quan quốc tế này thông qua bản nghị quyết về tương lai của Iraq. Một mục đích quan trọng nữa của bản nghị quyết là nhằm hợp pháp hoá sự có mặt của lính Mỹ tại đất nước vùng Vịnh này sau ngày 30/6. Đức, Pháp và Nga thì xem xét kỹ lưỡng bản nghị quyết để đưa ra những chỉnh sửa phù hợp.
Sự trớ trêu thứ hai là, bất chấp tầm quan trọng mang tính toàn cầu của tổ chức quốc tế này, việc LHQ thông qua nghị quyết nào đi chăng nữa thì cũng không làm cho Iraq ổn định hay yên bình hơn. Tình hình an ninh ngày càng xấu đi ở Iraq còn bởi thực thế là LHQ, dù là một cơ quan chính thống, cũng không thể hợp pháp hoá chính phủ tương lai của Iraq, đặc biệt nếu chính phủ đó vẫn liên kết với Mỹ. Hơn nữa, dù số lính Mỹ hiện có mặt tại Iraq là rất lớn, họ cũng không bình ổn được đất nước này.
Iraq dưới thời Saddam Hussein không phải là điểm tập trung của khủng bố, bạo lực và bất ổn, trái ngược với những gì ông Bush tuyên bố trước khi phát động chiến tranh. Ngày nay, bất chấp việc Mỹ tiếp tục chiếm đóng, Iraq đã trở thành tâm điểm của tình trạng bất ổn và là nơi tập trung của các phần tử khủng bố.
Vì thế, cho dù Bush khẳng định rằng kế hoạch Iraq vẫn đang đúng hướng thì LHQ hầu như không có vai trò thực tế đối với kế hoạch đó. Trong khi đại diện của LHQ Lakhdar Brahimi vẫn miệt mài tập hợp các nhà kỹ trị để lãnh đạo Iraq thì những nhóm tôn giáo hay vô thần dùng mánh khoé để kiếm chỗ trong chính phủ chẳng chú ý gì đến chuyên môn. Đồng thời, mọi nỗ lực của Brahimi có thể trở thành con số không nếu nhà lãnh đạo dòng Shiite Ali al-Sistani – người bị Mỹ rút quyền hợp pháp – phản đối. Đồng thời, vị giáo sĩ này vẫn cương quyết tạo ra một nền dân chủ Hồi giáo ở Iraq do dòng Shiite thống lĩnh trong khi Brahimi và Bush muốn đa dạng hoá nền chính trị nước này, biến đây thành một quốc gia nơi người Kurd, Shiite, Sunni, nam giới, phụ nữ đều có thể cầm quyền và sống hoà thuận.
Những viễn cảnh đó đang chờ thời cơ để diễn ra và ở Iraq chẳng có kẻ thua cuộc cao thượng nào cả. Thua một cách trang nhã là luật chơi chỉ xuất hiện ở những nước đã thực hiện chế độ dân chủ trong nhiều thập kỷ và những quy tắc dân chủ được tôn vinh và tôn trọng. Iraq chưa từng trải qua thời kỳ đó. Lực lượng nổi dậy và các phần tử khủng bố ở Iraq có thể chấp nhận cảnh hỗn loạn và đổ máu. Động cơ của họ là làm bẽ mặt và trục xuất siêu cường đơn độc kia. Không có gì nghi ngờ là Iraq sẽ đối mặt với một tương lai xám xịt.
Điều đó đang chờ thời cơ để diễn ra trong khi Bush cố thuyết phục người Mỹ, thế giới và người dân Iraq rằng ông đang đi đúng hướng. Người đứng đầu Nhà Trắng đã quyết định phá bỏ nhà tù Abu Ghraib và xây một nhà tù mới. Tuy nhiên, trại giam đó sẽ mãi mãi đọng lại trong tâm trí người Iraq và trong những cuốn sách lịch sử không chỉ là biểu tượng của sự tàn ác dưới chế độ Saddam mà còn là nơi mà thể diện quốc gia Iraq bị làm nhục bởi lực lượng chiếm đóng do Mỹ cầm đầu.
Bush hứa sẽ trao trả toàn bộ chủ quyền cho người Iraq vào ngày 30/6. Nhưng thậm chí các nhà bình luận của báo giới Mỹ đã công khai bày tỏ sự hoài nghi. Vẫn còn quá sớm để biết liệu người Mỹ có tin tổng thống của họ hay không. Thế giới vẫn nghi ngờ những gì Bush nói về Iraq. Còn người Iraq thì sao? Họ đang ngủ say khi Bush phát biểu tại Carlisle, Pennsylvania. Có lẽ điều đó cũng là dấu hiệu cho thấy thực tế là thậm chí sau khi thoát khỏi chế độ độc tài tàn ác, người Iraq vẫn không có tiếng nói về tương lai của chính mình.
Ngọc Sơn (theo Asia Times)
 

1gom