Quốc hội thông qua Luật Tổ chức tòa án nhân dân

Khoản 7 Điều 24, thảo luận dở buổi sáng, được Ban soạn thảo tiếp thu, bổ sung: việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức chánh án, phó chánh án TAND địa phương phải có sự “thống nhất ý kiến với thường trực HĐND địa phương”. Điều chỉnh này phần nào làm nhẹ nỗi lo của các đại biểu, rằng tổ chức và hoạt động của tòa án quá khép kín.
Cũng ở điều luật này, đại biểu Nguyễn Quý Tỵ, Chánh án TAND Hà Nội, đề nghị bổ sung cho Chánh án TAND Tối cao quyền “thuyên chuyển thẩm phán”. Ông cho rằng đây là công việc cần thiết, đặc biệt trong hoàn cảnh hiện nay nhiều tòa địa phương thiếu cán bộ. Tuy nhiên, ông Trịnh Hồng Dương, thay mặt Ban soạn thảo, giải trình, việc điều chuyển thẩm phán đã được thực hiện lâu nay và vẫn sẽ thực hiện, do đó không cần ghi vào luật.
Sau khi thông qua nhanh chóng các Điều 24-35, Quốc hội dừng lại khá lâu ở Điều 36. Điều luật quy định tiêu chuẩn thẩm phán là cử nhân luật và được đào tạo nghiệp vụ xét xử, còn hội thẩm chỉ cần “có kiến thức pháp lý”. Đại biểu Lý Khánh Hồng cho rằng như vậy là chưa hợp lý, bởi thẩm phán và hội thẩm ngang quyền nhau trong khi nghị án. Còn theo đại biểu Trần Mai Hạnh, việc bầu, cử hội thẩm cũng phải qua hội đồng, tương xứng với việc bổ nhiệm thẩm phán.
“Cứ theo quy định ở điều luật này thì tôi có được tín nhiệm cử làm hội thẩm thì cũng xin từ chối. Bởi hội thẩm cũng phải chịu trách nhiệm nặng nề khi nghị án như vị thẩm phán – được hưởng lương, chế độ đầy đủ”. Đại biểu Trương Minh Nghĩa lo ngại như vậy bởi khoản 4 Điều 36 quy định thẩm phán, hội thẩm khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà gây thiệt hại (như ra án oan, sai) thì phải cùng chịu trách nhiệm.
Chia sẻ quan điểm với ông Nghĩa, đại biểu Nguyễn Hoài Bão nói: “Hiện HĐND tìm được người để giới thiệu làm hội thẩm đã chẳng dễ dàng, tới đây lại buộc hội thẩm chịu trách nhiệm như thẩm phán thì thật khó”.
Ông Trần Văn Đăng, Tổng thư ký Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, làm dịu bớt sự lo ngại của các đại biểu. Ông cho rằng sự tham gia của hội thẩm thể hiện tính dân chủ của việc xét xử tại tòa. Còn tiêu chuẩn với hội thẩm và thẩm phán khác nhau thì trách nhiệm của họ cũng khác nhau.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu giải thích rằng quy định trách nhiệm như trong Dự luật chỉ là nguyên tắc, còn cụ thể sẽ được làm rõ trong Pháp lệnh Thẩm phán và hội thẩm nhân dân (sắp được sửa đổi). Trách nhiệm về án oan sai được giải quyết theo nguyên tắc: đầu tiên là tòa án bồi thường cho đương sự; tiếp đó thẩm phán, hội thẩm có sai phạm bồi hoàn cho tòa. “Trách nhiệm dựa vào mức độ lỗi, chứ không phải hội thẩm cũng phải chịu trách nhiệm như thẩm phán”, ông Yểu nhấn mạnh.
Ngoài Luật Tổ chức tòa án nhân dân được thông qua chiều nay, tới đây, Quốc hội còn thông qua Nghị quyết về việc thi hành đạo luật này. Nghị quyết quy định việc chuyển giao trách nhiệm, công việc giữa Bộ Tư pháp và TAND Tối cao về xử lý những vụ việc dang dở do bỏ cơ cấu Ủy ban Thẩm phán TAND Tối cao…
Hôm nay, Quốc hội thảo luận, thông qua Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân.
Nghĩa Nhân

1gom