Cổ phiếu GMD giảm giá do tâm lý

– Ông có thể lý giải rõ hơn về việc này?
– Thực ra vừa qua có một số biến động về nhân sự ở Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) mà cụ thể là việc ông Vũ Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Vinalines bị cách chức và kỷ luật Đảng. Cho nên, dư luận các nhà đầu tư đã có những suy luận và phản ứng không đúng về Gemadept.
Trước đây, ông Sơn là cổ đông sáng lập của Gemadept, nhưng đã thôi từ năm 1995. Sau khi về Vinalines, ông Sơn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị của Gemadept một nhiệm kỳ cho đến khi ông Đỗ Văn Nhân về thay. Dư luận cho rằng, vì mối quan hệ này mà khi còn tại chức (Chủ tịch Hội đồng quản trị của Vinalines), ông Sơn dành rất nhiều ưu đãi và hậu thuẫn cho Gemadept, nhưng nay ông Sơn ra đi thì sự hậu thuẫn này sẽ chấm dứt. Theo tôi, suy luận như vậy là sai và tôi xin khẳng định rằng, từ trước tới nay, Vinalines chưa hề có một ưu đãi hay hậu thuẫn nào cho Gemadept cả.
– Nhưng dư luận cũng cho rằng, “vụ” ông Sơn chỉ là “giọt nước làm tràn ly”, bởi bản thân Gemadept đang gặp khó khăn trong hoạt động do bị chèn ép và cạnh tranh gay gắt, đặc biệt ở lĩnh vực vận chuyển hàng rời và container nội địa?
– Nhận định như vậy là chưa chính xác, bởi ở tuyến vận chuyển hàng nội địa, Gemadept hiện chiếm thị phần 20% và đứng trong tốp 3 đơn vị dẫn đầu (cùng với Công ty Vận tải Biển Đông và Công ty Văn Lang). Cạnh tranh là điều không thể tránh khỏi, nhưng tôi có thể khẳng định, việc cạnh tranh là lành mạnh và không có chuyện chèn ép nhau ở đây.
– Lý do nào khiến Gemadept chuyển hướng đầu tư sang tuyến vận tải quốc tế?
– Việc Gemadept lựa chọn hướng đầu tư xây dựng đội tàu chở container phục vụ tuyến vận tải quốc tế là hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh có rất nhiều công ty trong nước như Vosco, Vinaship, Vitranschat, Văn Lang… đầu tư tàu chở nội địa. Đây cũng là hướng phát triển trong chiến lược 5 năm (2004-2008) của Gemadept đã được Hội đồng quản trị thông qua nhằm quảng bá thương hiệu Gemadept ra nước ngoài.
– Ông nghĩ sao khi có thông tin cho rằng, các cổ đông muốn rút khỏi Công ty khi biết tin lãnh đạo Gemadept muốn tách ra làm ăn riêng?
– Tôi không hiểu “lãnh đạo” của Gemadept mà dư luận đề cập ở đây là ai, nhưng theo tôi được biết thì không có ai trong Ban giám đốc và Hội đồng quản trị có ý định tách ra làm ăn riêng. Bản thân những người giữ chức vụ cao nhất trong công ty là tôi và ông Nhân chưa hề có ý định hay kế hoạch như vậy.
– Về việc Gemadept liên kết với Daso (trong đó Công ty Galaxy chiếm 30% cổ phần) mở cảng ICD Biên Hòa thì sao?
Báo cáo cho thấy kết quả kinh doanh của Gemadept trong 3 quý đầu năm của công ty này cho thấy, lợi nhuận đạt trên 82 tỷ đồng (tăng 23% so với cùng kỳ năm 2003 và đạt 88% kế hoạch năm).
– Việc Gemadept hợp tác với Daso là do Gemadept đứng ra với tư cách pháp nhân chứ không có chuyện cá nhân nào cả. Hợp tác này sẽ do Gemadept hưởng lợi. Cảng ICD Biên Hòa do Daso lập và Gemadept chỉ đứng ra đầu tư thiết bị trên hạ tầng đã có sẵn và ăn chia sản phẩm bốc xếp. Việc hợp tác này giống như Gemadept đã làm với Transvina tại Hải Phòng.
– Có ý kiến thắc mắc là tại sao đã có ICD Phước Long mà Gemadept còn mở thêm ICD Biên Hòa?
– Thực tế, hiện tại công suất của ICD Phước Long (một trong những nguồn lợi chính của Gemadept) đã đầy trong khi nhu cầu của thị trường còn rất lớn. Chính vì vậy mà chúng tôi quyết định liên kết để mở ICD Biên Hòa. – Cũng có thông tin cho rằng, tình hình lợi nhuận của Gemadept là không tồi nhưng kết quả đạt được chưa đủ làm thỏa mãn kỳ vọng của giới đầu tư?
– Tôi không hiểu là nhà đầu tư kỳ vọng đến mức nào, nhưng theo chúng tôi đánh giá, với số vốn 200 tỷ đồng mà Gemadept đạt lợi nhuận sau thuế trên 100 tỷ đồng là quá hiệu quả và chúng tôi đã cố gắng làm hết sức mình. Thế nhưng, thực tế trong thời gian gần đây, các nhà đầu tư ít quan tâm mua cổ phiếu GMD, vì họ nghĩ giá GMD đã cao nên khó kiếm lời. Theo tôi, suy luận như thế là chưa hợp lý, bởi lẽ giá GMD cao là do Gemadept hoạt động hiệu quả và ổn định. Theo tôi được biết, nhiều tổ chức tài chính nước ngoài đầu tư cổ phiếu của Gemadept, trong đó có một tổ chức nước ngoài đã mua đủ 10%.
– Ông nghĩ sao khi các nhà đầu tư nói Gemadept tập trung quá nhiều vốn vào một số dự án đầu tư, nhưng không mang lại lợi nhuận theo yêu cầu?
– Nói như vậy là chưa chính xác. Nếu ai thực sự quan tâm đến Gemadept thì có thể thấy cho đến nay, Gemadept chỉ mới bỏ vốn vào dự án xây dựng Trung tâm Thương mại hàng hải tại số 2-4-6 Lê Thánh Tôn, quận1, TP HCM. So với lúc mua đất và thời điểm hiện nay thì Gemadept lời to, vì giá đất đã tăng lên rất nhiều lần. Ngoài dự án này, Gemadept chưa đầu tư một đồng vốn nào vào các dự án còn lại, kể cả dự án đầu tư 20 tỷ đồng vào Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải. Hiện tại, Gemadept chỉ mới được duyệt đăng ký mua 10 tỷ đồng cổ phiếu theo mệnh giá.
(Theo Đầu Tư Chứng Khoán)

1gom