Bảo Chấn: ’Tôi xin lỗi khán giả yêu nhạc’

aoca
Nhạc sĩ Bảo Chấn.

Sau khi nghe lại cả 3 ca khúc Frontier (Keiko Matsui), I’ve never been to me (Charlene), Tình thôi xót xa (Bảo Chấn), nhạc sĩ Bảo Chấn đã thừa nhận bài hát của ông giống 50% I’ve never been to me, thậm chí là 99% nếu so sánh với Frontier. Giải thích điều này, nhạc sĩ Bảo Chấn đưa ra lý do, vì âm nhạc nước ngoài quá nhiều nên ông bị ảnh hưởng và vô tình viết ra mà không để ý. Tuy nhiên, nhạc sĩ đã không có bằng chứng chứng minh thời điểm ra đời ca khúc Tình thôi xót xa. Khi kiểm tra lại đơn xin gia nhập Hội nhạc sĩ của Bảo Chấn năm 2001, kèm theo có danh sách các ca khúc, thì Tình thôi xót xa được chính tác giả đánh dấu thời gian ra đời là năm 1994. Trong khi đó, ca khúc của nam nhạc sĩ người Mỹ có từ năm 1982, của nữ nhạc sĩ Nhật Bản là năm 1992, và đều có đăng ký bản quyền rõ ràng.  
Sau khi xem xét dưới mọi góc độ, công lao mà nhạc sĩ Bảo Chấn đóng góp cho nền âm nhạc nước nhà, Hội nhạc sĩ Việt Nam nhận thấy nhạc sĩ Bảo Chấn là nghệ sĩ lâu năm, có năng lực biên soạn và phối khí, có đóng góp cho phong trào nhạc nhẹ TP HCM, có một số ca khúc được giới trẻ yêu thích. Nhưng do quá nhiễm nhạc nước ngoài, lại chưa đủ bản lĩnh, kỹ năng nghề nghiệp, nên chịu ảnh hưởng của nhạc nước ngoài, đặc biêt là ca khúc Tình thôi xót xa. Ban thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam quyết định: Cảnh cáo nhạc sĩ Bảo Chấn vì thiếu tinh thần trách nhiệm trong hoạt động nghề nghiệp, góp phần gây hậu quả xấu trong công chúng yêu nhạc.
Theo nhạc sĩ An Thuyên – trưởng ban kiểm tra hội Nhạc sĩ thì kết quả cuộc họp như thế là tích cực. Nó đã làm sáng tỏ sự giống nhau giữa các bài hát. Hơn nữa, nhạc sĩ Bảo Chấn đã thừa nhận sai sót, xin lỗi người yêu nhạc và xin không sử dụng bài hát. Nhạc sĩ An Thuyên cũng cho rằng, mức độ xử lý cảnh cáo đối với Bảo Chấn sẽ có tác động tích cực. Khi một nhạc sĩ đã nhận ra sai sót, lớp trẻ cũng sẽ tự rút ra kinh nghiệm.  
Về vấn đề này, nhạc sĩ Nguyễn Cường nói: “Không có gì đáng ngạc nhiên. Cùng hoạt động âm nhạc, nhưng luôn tồn tại hai loại nhạc sĩ. Một loại chỉ biết chăm chăm sáng tạo, đi tìm sự đích thực của tâm hồn bằng tiếng nhạc. Còn một loại được coi là hành nghề, kiếm sống bằng âm nhạc. Và đã hành nghề, thì chuyện vay mượn và trốn thuế cũng là dễ hiểu. Không cần quan tâm quá nhiều đến vấn đề này như vậy”.  
Trọng Nguyên

1gom