Khi nhà văn “hành nghề” biên kịch

– Phạm Xuân Nguyên: Tôi nghe kể ở một tờ báo có đăng bài phỏng vấn nhà biên kịch “Tây” nào đó nghe nói “xịn” lắm, khuyên các nhà biên kịch hãy quên tính văn học khi bắt tay vào viết kịch bản. Phải chăng ý kiến này đúng?
– Nguyễn Quang Lập: Có thể người ta dịch sai lời của ông “Tây” đó. Bởi vì dù có ghét tính văn học đến đâu thì nó cũng là cái gốc cho sáng tạo nghệ thuật mà điện ảnh không phải là một ngoại lệ. Có lẽ ông “Tây” này muốn khuyên các nhà văn khi viết kịch bản điện ảnh hãy bỏ thói quen viết văn hay nói văn của mình. Trong kịch bản không thể viết câu văn: “Lập ngồi trước máy tính lòng bừng bừng căm giận”. Đó có thể là một câu văn hay nhưng lại rất tối nghĩa trong trong kịch bản điện ảnh. Viết kịch bản điện ảnh là viết cho mắt và tai của người xem và vì thế cái gì mắt người không thấy được, tai người không nghe được thì đừng có viết, cho dù đó là những câu văn tuyệt chiêu.
– Phạm Xuân Nguyên: Cục Điện ảnh và các hãng phim trong cả nước ra sức kêu gọi các nhà văn tham gia viết kịch bản điện ảnh. Theo anh, có mối quan hệ nào giữa nhà văn và nhà viết kịch? 
– Nguyễn Quang Lập: Ở nước ta, tình hình đào tạo các nhà biên kịch chuyên nghiệp đang là một vấn đề. Đào tạo thì nhiều nhưng dùng chẳng được bao nhiêu. Tôi không hiểu người ta dạy các nhà biên kịch thế nào mà đến cuối thế kỷ 20 lại phải mời các nhà biên kịch nước ngoài về dạy cái đầu tiên trong nghề viết kịch bản là cách trình bày nó ra sao. Hơn nữa, quan niệm ở nước ta đã lạc hậu quá trời. Bây giờ người ta vẫn bảo hãy viết ra một cái gọi là kịch bản văn học, sau đó các đạo diễn căn cứ vào đó để viết ra kịch bản phân cảnh rồi gọi là kịch bản điện ảnh. Tôi đề nghị bỏ ngay cách làm lạc hậu này. Nó không phải đơn thuần là phương pháp mà liên quan đến việc đào tạo một đội ngũ biên kịch lành nghề. Điều này dẫn đến người ta có thể hoa mắt trước lối viết văn với các từ ngữ văn chương đẹp và sắc sảo mà chấp nhận một kịch bản nghèo nàn tính điện ảnh, sau đó thì phó thác hoàn toàn cho đạo diễn, ông ta muốn làm gì thì làm trong kịch bản phân cảnh của mình.
– Phạm Xuân Nguyên: Nhưng cho đến nay nhà văn tham gia viết kịch bản chưa phải là nhiều.
– Nguyễn Quang Lập: Vài mươi nhà văn trong hàng nghìn nhà văn. Con số đó là quá ít bởi có nhiều lý do. Ví như họ chưa quen viết hoặc ngại viết, hoặc viết rồi nhưng chưa tìm được đạo diễn tin cậy để “chọn mặt gửi vàng”. Theo tôi lý do sâu xa nhất là: Khi anh viết một kịch bản thì phải hy sinh chí ít 5 đến 7 truyện ngắn, có khi hy sinh hẳn một truyện dài. Nhưng khi phim ra thì tác phẩm không còn là của riêng anh nữa, nếu không muốn nói là của người khác. Trong khi đó, thù lao cho một kịch bản phim nhựa (còn phim truyền hình thì “quá bèo”) là 1,3% tổng dự toán. Đó cũng chỉ là nói trên lý thuyết chứ thực tế không được như thế. Viết được một phim nhựa phải mất chí ít một năm mà chỉ có hơn chục triệu đồng trong khi anh mất hẳn một tập truyện ngắn hoặc tiểu thuyết thì lỗ quá. Nói tóm lại nếu bỏ nghề văn sang nghề biên kịch có lẽ chẳng được cái gì mà mất tất cả.
– Phạm Xuân Nguyên: Nói thế tại sao anh vẫn theo nghề biên kịch?
– Nguyễn Quang Lập: Bởi đó là tình yêu.
(Theo Lao Động, 26/3)

1gom