Pháp dập tắt bạo loạn ở Bờ Biển Ngà

Đoàn xe của quân đội Bờ Biển Ngà.
Đoàn xe của quân đội Bờ Biển Ngà rút khỏi tiền tuyến ở Yamoussoukro, sau khi gần như toàn bộ không lực của họ bị Pháp xoá sổ.

Binh lính Pháp hôm qua toả khắp thành phố chính Abidjan để ngăn chặn các cuộc bạo loạn mới chống các công dân của họ. Binh lính Pháp đi xe bọc thép kiểm soát các ngã ba. Pháo hạm chờ sẵn gần các cây cầu.
Tuy nhiên, Paris cho biết họ không có kế hoạch sơ tán các công dân.
Pháp gần như xoá sổ toàn bộ không lực nhỏ bé của Bờ Biển Ngà (phá huỷ 2 máy bay ném bom, 2 chiếc Sukhoi 25 và 3 chiếc trực thăng Mi-24) hôm thứ bảy. Đây là hành động đáp trả vụ không kích ở miền bắc (do phiến quân kiểm soát), làm 9 binh lính gìn giữ hoà bình Pháp thiệt mạng và 22 người khác bị thương. Ban đầu, các quan chức chính phủ Bờ Biển Ngà khẳng định không có bằng chứng vụ không kích do lực lượng của họ tiến hành. Nhưng đến hôm qua, quân đội nước này thừa nhận trách nhiệm, tuy nói thêm họ không hề cố ý. Tuy nhiên, cho dù họ có định tấn công vào phiến quân đi chăng nữa, thì hành động này cũng vi phạm thoả thuận hoà bình đã được các bên nhất trí là chấm dứt các hoạt động quân sự. Hiện quốc gia Tây Phi này chia làm hai nửa, phiến quân kiểm soát miền bắc và chính phủ ở miền nam.
Sau khi Pháp kiểm soát sân bay Abidjan, hàng chục nghìn người ở đây đổ ra biểu tình hôm thứ bảy, đáp lại các lời kêu gọi chiếm lại sân bay của các phe trung thành với Tổng thống Laurent Gbagbo. Một số còn cướp phá nhà của những người châu Âu. Một số trường học và thư viện của người Pháp bị đốt cháy. Những người tham gia bạo loạn giơ rìu, dao rựa và gậy diễu phố, hét lớn: “Người Pháp cút về nước!” và “Các bạn hãy nhằm vào người Pháp!”.
Tổng thống Laurent Gbagbo hôm qua phải kêu gọi những người biểu tình chấm dứt các hoạt động bạo lực chống người Pháp: “Tôi kêu gọi mọi người hãy bình tĩnh, tôi đề nghị tất cả những người biểu tình trở về nhà. Các bạn đừng nghe theo những lời xúi giục”. Chính phủ cho biết đã gửi binh lính để “kiềm chế những kẻ phá hoại”.
Liên Hợp Quốc ủng hộ cách giải quyết cứng rắn của Pháp vì lý do tự vệ. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Michelle Alliot-Marie thông báo ở Paris rằng tình hình đã nằm trong vòng kiểm soát, tuy vẫn căng thẳng.
Pháp đã gửi thêm 600 quân nhân để hỗ trợ cho 4.000 binh lính của họ tại đây, thuộc lực lượng gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc 10.000 quân. Hội đồng Bảo an Liên kêu gọi cả chính phủ lẫn phiến quân Bờ Biển Ngà nên kiềm chế tránh gây thêm bạo lực.
Liên minh châu Phi đã cử Tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki tìm giải pháp cho khủng hoảng. Dự kiến ông sẽ đến Bờ Biển Ngà trong thời gian sớm nhất.
M.C. (theo BBC, Reuters)
 
 

1gom