Công đoàn tìm cơ chế giải quyết đình công

Ông Nguyễn Hoà Bình, Trưởng ban Pháp luật Tổng liên đoàn Lao động cho biết: Từ năm 1995 đến nay, trên phạm vi cả nước đã xảy ra 462 cuộc đình công, nhưng không có cuộc nào hợp pháp. Nhiệm vụ của tổ chức công đoàn là phải tìm ra cái gốc của vấn đề nhằm tiến tới giải quyết đình công sao cho đúng luật.
Lãnh đạo công đoàn các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, TP HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Cần Thơ đã mổ xẻ Điều 157 Bộ luật Lao động. Theo điều luật này, có hai loại: tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể. Hầu hết các cuộc đình công xảy ra không xuất phát từ mâu thuẫn về lợi ích tập thể, mà từ tranh chấp cá nhân, do quyền và nghĩa vụ của người lao động bị xâm hại. Thông thường, hợp đồng lao động của các công nhân có nội dung giống nhau, nên khi quyền lợi của một người bị vi phạm thì mâu thuẫn giữa người sử dụng lao động với các công nhân khác cũng sẽ xảy ra.
Theo các lãnh đạo công đoàn, chỉ cần nhiều công nhân có tranh chấp cá nhân với giới chủ thì đã hình thành đình công. Đây là điểm khách quan chủ yếu, nếu pháp luật không thừa nhận mà cứ gắn đình công với tranh chấp lao động tập thể thì khó tìm được cơ chế giải quyết đình công hợp lý. Yêu cầu như vậy sẽ bó tay công đoàn tham gia giải quyết những vụ tranh chấp cá nhân lớn của nhiều người lao động.
Quy định về hòa giải cơ sở cũng còn bất cập. Cụ thể, theo luật, thành phần hội đồng hòa giải lao động cơ sở chỉ gồm 2 chủ thể đại diện cho người sử dụng lao động và lao động, không có sự tham gia của cơ quan nhà nước, nên không đảm bảo cơ chế ba bên. Phía công đoàn – đại diện cho người lao động, vì vậy, thường bị lép vế.
Giải pháp mà hội nghị thống nhất là sớm sửa đổi hệ thống pháp luật về lao động, đồng thời tăng cường năng lực hoạt động của công đoàn các cấp. Chỉ như vậy mới góp phần ổn định quan hệ lao động, giúp doanh nghiệp sản xuất phát triển, đời sống công nhân được đảm bảo.
(Theo Lao Động)

1gom