‘Quy mô TTCK Việt Nam cần lên tới 20 tỷ USD’

– Xin ông cho biết ý kiến về việc TTCK Việt Nam thời gian gần đây có dấu hiệu xuống dốc?
– Khó khăn lớn nhất là quy mô của TTCK ở Việt Nam còn quá nhỏ.  
Để thuyết phục và có thể thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia, quy mô của TTCK phải được nâng lên không phải 200 triệu USD như hiện nay, mà phải 20 tỷ USD. Khi tiếp xúc với chúng tôi, phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài cho biết, hiện họ không yên tâm bỏ vốn vào Việt Nam.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh là, Việt Nam không nên quá chú trọng đến vai trò của các nhà đầu tư nước ngoài bởi thực tế mới chỉ khai thác được 5% tiềm năng đầu tư trong nước.  
– Xin ông cho biết kết quả đầu tư tại Việt Nam của công ty thời gian vừa qua?
– Tại Việt Nam, gần 50% vốn của Dragon Capital được đầu tư vào TTCK, phần còn lại đầu tư vào các doanh nghiệp. Năm 2002, tài sản của công ty tăng 5%, trong khi của toàn thị trường giảm gần 20%. Hiệu quả đầu tư này là không cao lắm so với các năm trước (16% trong năm 2001; 13% trong năm 2000), nhưng so với các thị trường khác như Nhật, Mỹ, châu Âu… (đều âm) thì đây là một kết quả đáng khích lệ.
Tóm lại, chúng tôi hài lòng với những gì đã đạt được trong năm qua. Tôi cho rằng, bài toán đầu tư vào Việt Nam năm 2003 sẽ là bài toán hấp dẫn nhất từ trước tới nay. – Ông có thể lý giải tại sao?
– Xét về mặt vĩ mô, Việt Nam có một môi trường chính trị xã hội ổn định, có một nền kinh tế tăng trưởng nhanh (tỷ lệ tăng trưởng GDP của Việt Nam đứng thứ nhì châu Á). Mặt khác, đây là nước đang xác định được những ngành, những lĩnh vực có thể cạnh tranh, tức là bắt đầu xác định được lợi thế của mình là gì và khai thác lợi thế đó ra sao.
Về mặt vi mô, ngày càng có nhiều công ty kêu gọi đầu tư hơn. Một điểm đáng lưu ý là tỷ lệ chia cổ tức của các công ty cổ phần là khá cao, từ 6% đến trên 10%/năm, bằng hoặc cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Hơn nữa, tình hình phát triển của các công ty về mặt doanh thu, lợi nhuận nhìn chung được đánh giá là tốt.
Dưới góc độ là nhà đầu tư tài chính, tôi cho rằng, đó là những cơ sở và điều kiện để có thể hy vọng năm 2003 sẽ là một năm đầu tư hấp dẫn. – Ông nghĩ sao về với nhận định cho rằng, sự ảm đạm của nhiều thị trường tài chính lớn trên thế giới như Mỹ, Nhật, châu Âu… khiến một lượng vốn lớn bị rút ra và đó sẽ là cơ hội cho những TTCK mới nổi như Việt Nam?
– Môi trường đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, ở nước ngoài bây giờ không tốt lắm. Các thị trường chính trên thế giới như Nhật, châu Âu, Mỹ đang lâm “bệnh” và khả năng phục hồi là chưa thấy rõ. Thêm vào đó, những rủi ro liên quan đến tình hình chính trị quốc tế, đặc biệt là ở Trung Đông, đã khiến cho nhiều người e ngại. Đây chính là cơ hội cho những thị trường mới nổi.
Tận dụng cơ hội này, trong năm nay, chúng tôi sẽ đi ra nước ngoài tiếp thị, thu hút các nhà đầu tư bỏ vốn vào Việt Nam. Nhiệm vụ của chúng tôi là thuyết phục họ “nhìn Việt Nam như chúng tôi nhìn Việt Nam”.
(Theo Đầu Tư Chứng Khoán)

1gom