Bán bớt cổ phần Nhà nước: khó thực hiện được ngay

Dư luận đang xôn xao trước thông tin lượng cổ phần mà Nhà nước đang nắm giữ tại các công ty niêm yết sắp được bán bớt để tăng thêm hàng hóa cho thị trường chứng khoán (TTCK). Sẽ có sự biến động lớn trên TTCK khi quyết định này được thực hiện.
Đề án các giải pháp tài chính áp dụng cho TTCK đang được Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét phê duyệt. Theo đó, để tạo thêm hàng hóa cho TTCK trong bối cảnh cầu luôn vượt cung khiến giá chứng khoán tăng nhanh, trước mắt sẽ thực hiện ngay việc giảm tỷ lệ cổ phần Nhà nước đang nắm giữ trong 5 công ty cổ phần đang niêm yết.
Cụ thể, sẽ bán hết 10% cổ phần Nhà nước trong REE, 10% trong Transimex Saigon, 30% trong Lafooco và 1,27% trong Hapaco; riêng 49% cổ phần Nhà nước trong Sacom sẽ bán bớt 19%. Thông tin này đã tạo cho thị trường luồng sinh khí mới vì hy vọng sẽ có thêm hàng hóa để giải bài toán cung, nhưng nó cũng khiến cho giới đầu tư chứng khoán hoang mang không biết nên tiếp tục găm giữ hay phải bán ra cổ phiếu vì họ lo ngại rằng, cơn rớt giá chứng khoán sẽ ập đến một khi lượng cổ phần Nhà nước này được tung ra bán.
Về phía các công ty niêm yết, đại diện của các đơn vị này cho rằng, mặc dù đã có chủ trương cho bán nhưng điều nan giải nhất là vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về hình thức bán, ai đứng ra đại diện cho phần vốn của Nhà nước để quyết định bán và bán với mức giá bao nhiêu?
Chủ trương bán bớt cổ phần Nhà nước đang nắm giữ tại các công ty niêm yết đã được Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo ngay từ khi TTCK Việt Nam mới đi vào hoạt động, nhằm cân đối cung cầu thị trường và can thiệp khi giá chứng khoán có biến động. Tuy nhiên, trên thực tế, việc đưa chủ trương này vào áp dụng xem ra khá phức tạp. Cổ phần Nhà nước trong các đơn vị cổ phần hóa và niêm yết trên TTCK là sở hữu của Nhà nước và hiện vẫn do Bộ Tài chính chịu trách nhiệm quản lý cao nhất và được ủy quyền cho doanh nghiệp, thông thường là chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) hoặc tổng giám đốc sở hữu.
Có ý kiến cho rằng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) nên đại diện Bộ Tài chính đứng ra bán cổ phần Nhà nước. Song, theo các chuyên gia, điều này là không hợp lý vì nếu làm theo cách đó thì chẳng khác nào UBCKNN “vừa đá bóng, vừa thổi còi”! Còn nếu Bộ Tài chính đứng ra bán cũng không đơn giản. Mặc dù Bộ Tài chính có Cục Tài chính doanh nghiệp, nhưng bộ phận này chủ yếu quản lý tài sản Nhà nước, xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, cục và chi cục tại địa phương còn phải phối hợp với nhiều ngành, sở. Liệu Cục Tài chính doanh nghiệp có thể đảm đương việc bán cổ phần Nhà nước (?).
Trong khi đó, một số ý kiến khác lại cho rằng, Bộ Tài chính nên để cho chủ tịch HĐQT hoặc tổng giám đốc, những người được ủy quyền sở hữu cổ phần Nhà nước trong doanh nghiệp, đứng ra bán số cổ phần này. Ý kiến này lập tức bị phản đối và được coi là “phá luật” vì theo điều lệ của các công ty cổ phần, thành viên HĐQT trong công ty đó không được bán, thế chấp, cầm cố hay chuyển nhượng cổ phần mà mình sở hữu hoặc đại diện sở hữu (trường hợp được ủy quyền tham gia HĐQT) cho đến khi cổ đông thôi làm thành viên hội đồng quản trị.
Một số chuyên gia cho rằng, cổ phần Nhà nước chỉ có thể bán ra và không làm ảnh hưởng đến cơ cấu HĐQT của công ty đó nếu thành viên HĐQT vừa đại diện nắm giữ cổ phần Nhà nước, vừa có sở hữu cổ phần cá nhân đủ để làm thành viên hội đồng quản trị. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng, thành viên HĐQT chỉ nắm giữ cổ phần Nhà nước, bởi vì theo Nghị định 73/CP của Chính phủ ban hành ngày 6/12/2000 về quy chế quản lý vốn Nhà nước thì lãnh đạo công ty nếu là đại diện vốn Nhà nước thì không được nắm bất kỳ cổ phần riêng nào. Trong trường hợp này, nếu đại diện vốn Nhà nước là thành viên HĐQT công ty bán ra số cổ phần Nhà nước đang nắm giữ, ai sẽ thế vào chỗ trống trong HĐQT sau khi phần vốn này không còn, vai trò của HĐQT trong công ty cổ phần lúc đó sẽ như thế nào, mô hình công ty cổ phần sẽ đi về đâu nếu không có HĐQT…?
Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng, cho dù đã có chủ trương cho bán bớt cổ phần Nhà nước tại các công ty niêm yết nhưng chắc chắn, việc thực hiện sẽ khó có thể được tiến hành trong “một sớm, một chiều” khi mà các vướng mắc trên chưa được tháo gỡ một cách thấu đáo.
(Theo Đầu Tư Chứng Khoán)

1gom