Sắp hình thành khu vực phi vũ khí hạt nhân ở Trung Á

Click vào ảnh
“Chiếc cột hình nấm” – hình ảnh khủng khiếp gắn liền với các vụ thử bom nguyên tử.

Ngày 27/9, tại Samarkand (Uzbekistan), 5 quốc gia Uzbekistan, Kazakhstan, Tajikistan, Kyrgyzstan và Turkmenistan đã nhất trí thông qua dự thảo hiệp ước xây dựng Khu vực Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân Trung Á (CANWFZ). Với động thái này, họ muốn cho thế giới thấy rằng Trung Á sẽ không để mình bị cuốn vào chiến lược về vũ khí của 5 cường quốc hạt nhân Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc, cũng như cuộc chạy đua giữa hai nước Nam Á là Ấn Độ, Pakistan. 
Theo quy định của hiệp ước, 5 bên tham gia CANWFZ không được phép triển khai, sản xuất, thử nghiệm vũ khí hạt nhân, hoặc giúp bất kỳ quốc gia nào làm những việc này. Họ cũng không được để cho nước khác đưa vũ khí hạt nhân vào khu vực.
Hồi Chiến tranh Lạnh, Kazakhstan là nơi đặt kho vũ khí hạt nhân của Liên bang Xô Viết. Sau khi Liên Xô sụp đổ, chính quyền Kazakhstan đã trao trả chúng lại cho Nga. Ngày nay, ở Trung Á, không quốc gia nào còn tàng trữ loại vũ khí này. Song bao quanh họ lại là các nước có vũ khí hạt nhân, hoặc “nghe nói” đang phát triển vũ khí hạt nhân. Bên cạnh Nga và Trung Quốc, Trung Á còn ở rất gần hai quốc gia đang là đối thủ của nhau trong cuộc chạy đua là Ấn Độ và Pakistan. Có thông tin khẳng định Iran và Iraq cũng đang sở hữu nguyên liệu phân hạch để sản xuất thiết bị hạt nhân.
Theo nhiều báo cáo khác nhau, hàng chục tổ chức khủng bố, kể cả mạng lưới Al-Qaeda của Osama bin Laden thời còn tung hoành ở Afghanistan, đã cố thu thập nguyên liệu phân hạch từ các nguồn ở Trung Á.
Những người ủng hộ cho rằng, hiệp ước sẽ ngăn chặn nguy cơ khu vực bị biến thành một hành lang trung chuyển nguyên liệu hạt nhân. “Trung Á là khu vực quan trọng bởi sự gần gũi của nó với Afghanistan”, Arman Baisslanov, Cục trưởng Cục an ninh Quốc gia thuộc Bộ Ngoại giao Kazakhstan, nói. “Cộng đồng quốc tế tin tưởng rằng, kiểm soát chặt chẽ tình hình hạt nhân ở Trung Á sẽ góp phần làm cho các tổ chức bất hợp pháp ở Afghanistan và những nước khác không thể có được nguyên liệu để sản xuất vũ khí hạt nhân”. 
Alla Karimova, trưởng phái đoàn Uzbekistan, phát biểu: “Hiệp ước này rất quan trọng, bởi các quốc gia Trung Á cuối cùng đã nhận ra được vai trò của mình trong việc mang lại an ninh và sự ổn định cho khu vực”.  
Hiệp ước cũng có tác dụng ngăn cản Mỹ và Nga đưa vũ khí hạt nhân chiến lược vào khu vực. Vì lý do này, các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc sẽ coi CANWFZ là một hành lang an toàn rất tốt đối với họ.
Bộ Ngoại giao Nga chưa bình luận gì. Nhưng nhà phân tích Alexei Malashenko nói rằng CANWFZ quan trọng đối với Trung Á hơn đối với Nga: “Thông qua hiệp ước xây dựng CANWFZ, lãnh đạo các nước Trung Á muốn nhấn mạnh rằng họ là một ngoại lệ ở châu Á. Họ không phải là Iran, họ không thể bị so sánh với Pakistan, họ không có ước mơ ấy. Với bản hiệp ước mới, họ thuộc về cộng đồng thế giới”.
Trong suốt 5 năm đàm phán (1997-2002), Nga đã nỗ lực đưa vào dự thảo mấy ý ủng hộ việc họ tái triển khai vũ khí hạt nhân ở Trung Á. Matxcơva khẳng định, Hiệp ước An ninh Tập thể Tashkent (thủ đô Uzbekistan) 1992, ký giữa Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan, cho họ quyền mang vũ khí hạt nhân vào Trung Á. Uzbekistan và Turkmenistan, hai nước không tham gia Tashkent 1992, lập tức bác bỏ điều này. Song Kazakhstan tìm cách trấn an Nga, nói là hiệp ước CANWFZ không ảnh hưởng tới các điều ước song phương hoặc đa phương đã ký trước đây trong cùng lĩnh vực.
Tuy nhiên, các quốc gia còn lại đã đưa vào thỏa thuận một câu nhấn mạnh, những nước ký kết có nghĩa vụ tiến hành tất cả các biện pháp cần thiết để thực hiện nguyên tắc chính của hiệp ước. Họ cho rằng với cách diễn đạt như vậy, Trung Á buộc phải từ chối dứt khoát mọi đề nghị triển khai vũ khí hạt nhân của Nga ở khu vực.
Về vấn đề trung chuyển nguyên liệu hạt nhân trái phép qua Trung Á bằng đường không, đường bộ, đường thủy, Kazakhstan đề nghị cho phép mỗi bên độc lập giải quyết các vụ việc liên quan. Uzbekistan và Turkmenistan thì lại muốn xiết chặt quy định này và buộc tất cả các bên cùng tham gia.
Song những mâu thuẫn trên đã sớm được giải quyết nhờ một số yếu tố. Trước tiên là tình hình chính trị trong khu vực thay đổi sâu sắc kể từ sau vụ tấn công khủng bố 11/9. Mỹ chủ động can thiệp vào Trung Á hơn, triển khai quân đội ở các căn cứ trên đất Uzbekistan, Kyrgyzstan. Ảnh hưởng của họ tại đây ngày càng tăng, điều mà Nga không thể không chấp nhận. Tình hình quốc tế khiến các nước Trung Á dễ giải quyết bất đồng với nhau hơn và cưỡng lại áp lực từ phía Nga. Bên cạnh đó, Trung Á còn nổi lên như tuyến đầu trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ, do vậy, ý tưởng hình thành một khu vực không phổ biến vũ khí hạt nhân không còn trừu tượng nữa mà đã trở nên thực tế, vì rất cần phải ngăn chặn sự phổ biến vũ khí và nguyên liệu hạt nhân trên địa bàn chiến lược này.
Nhờ các nguyên nhân đó, 5 quốc gia Trung Á cuối cùng đã đi đến thỏa thuận cho ra đời CANWFZ. Vấn đề duy nhất tồn đọng là thời điểm ký hiệp ước. Kazakhstan muốn đợi đến cuối năm để xem liệu 5 cường quốc hạt nhân trên thế giới có ký nghị định thư công nhận hiệp ước mới của Trung Á hay không. 4 nước còn lại, đặc biệt là Uzbekistan, thì lại muốn tổ chức lễ ký kết ngay trong tháng này, nhân chuyến thăm khu vực của Tổng thư ký LHQ Kofi Annan (16-23/10).
5 quốc gia nhất trí ký hiệp ước tại một nơi từng là bãi thử hạt nhân của Liên Xô cũ ở Semipalatinsk, Kazakhstan.
T.D.K. (theo CNS, Washington Post) 

1gom