Cấp cao hai miền Triều Tiên sẽ đàm phán tuần tới

Trưởng phái đoàn Hàn Quốc Lee Bong-jo (trái) bắt tay người đồng nhiệm CHDCND Triều Tiên Choe Song-Ik tại hội nghị.
Trưởng phái đoàn Hàn Quốc Lee Bong-jo (trái) bắt tay người đồng nhiệm CHDCND Triều Tiên Choe Song-Ik tại hội nghị.

Đây sẽ là những cuộc tiếp xúc lần thứ 7 giữa hai bên kể từ năm 2000, nhưng là lần đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ George W. Bush đưa CHDCND Triều Tiên vào danh sách các nước thuộc “trục ma quỷ”. Cuộc gặp cấp cao cuối cùng giữa Seoul và Bình Nhưỡng diễn ra từ tháng 11 năm ngoái.
Hội đàm vào tuần tới sẽ tập trung vào vấn đề sum họp của các gia đình bị ly tán trong chiến tranh, nối đường ray xuyên biên giới và thực hiện các dự án kinh tế liên Triều ở miền bắc.
Cử chỉ hoà giải của CHDCND Triều Tiên diễn ra tiếp sau những động thái cải thiện quan hệ với Mỹ và Nhật bản. Tại hội nghị Diễn đàn an ninh khu vực (ARF) tại Brunei, Bình Nhưỡng đã nhất trí nối lại đàm phán bình thường hoá quan hệ với Nhật Bản và chấp nhận chuyến thăm của một đặc phái viên Mỹ.
Cuộc tiếp xúc kéo dài 3 ngày giữa hai miền tập trung vào cuộc tranh cãi bên nào phải chịu trách nhiệm cho vụ đụng độ trên Hoàng Hải, làm chìm một tàu tuần tra Hàn Quốc và 4 thủy thủ thiệt mạng. CHDCND Triều Tiên thừa nhận phải chịu tổn thất về người. Seoul yêu cầu Bình Nhưỡng phải xin lỗi và trừng phạt những người gây ra vụ đụng độ. Tuy nhiên, không rõ CHDCND Triều Tiên sẽ giải quyết yêu cầu của Hàn Quốc như thế nào. Các hãng thông tấn của miền Bắc đưa tin, chỉ có thể tránh được các vụ đụng độ tương tự khi vẽ lại đường biên giới trên Hoàng Hải.
Hôm 2/8, CHDCND Triều Tiên đề xuất tổ chức gặp gỡ giữa quân đội nước này với phái đoàn Liên Hợp Quốc do Mỹ dẫn đầu để bàn về vấn đề biên giới. Bình Nhưỡng chưa bao giờ chấp nhận biên giới trên biển hiện tại do Liên Hợp Quốc đưa ra theo Hiệp định đình chiến Chiến tranh Triều Tiên 1953.
Nguyễn Hạnh (theo AP)

1gom