Tôi không muốn con mình là “gà nòi”

v
Được vui chơi, đó là quyền của trẻ em.

Trong suy nghĩ của nhiều học sinh và phụ huynh, được học ở trường chuyên là một diễm phúc lớn. Và khi vào đó, xem như các em đã đặt được một chân vào trường trung học có tiếng, cuối cùng là vào đại học. Vì thế, không ít phụ huynh đôn đáo tìm thầy dạy kèm, tìm trung tâm tiếng tăm để gửi gắm con mình vào học, những mong có được một chỗ chen chân vào cánh cổng trường chuyên. Nhưng tôi thì không muốn như vậy.
Từng dạy ở nhiều lớp bồi dưỡng học sinh giỏi, lớp chọn, tôi thật sự thương cho các em, mới hơn 10 tuổi mà trong đầu lúc nào cũng chỉ có học, học và học. Sáu giờ rưỡi sáng đã gà gật trên xe đưa đón, có đứa trầm ngâm nhìn ra ngoài, có đứa khư khư chăm chú vào cuốn vở. Rồi nào là học bồi dưỡng, học nâng cao… ở trường nên thường sáu, bảy giờ tối các em mới về đến nhà. Học trường chuyên phải cố gắng nhiều lắm, nếu không giữ vững mức học, nguy cơ bị mời ra khỏi trường là rất cao. Vì thế, giờ giải lao ít ỏi của các em cũng chẳng còn đúng là giờ thư giãn. Em này đem vở ra nhẩm lại hoặc túm tụm lại cùng giải một bài tập, không một tiếng bông đùa, tiếng cười vui, nghịch ngợm…
Môi trường ganh đua khắc nghiệt ấy đã hình thành trong đầu các em tâm lý hơn thua, tị nạnh nhau. Mặc dù các em chỉ mới bước qua bậc tiểu học một vài năm, nhưng hiếm khi thấy có tình bạn hồn nhiên và những câu chuyện vui cười giữa các em. Học sinh của tôi, đứa nào cũng như già trước tuổi. Chúng không vô tư, ít chơi đùa, chạy nhảy như những đứa trẻ cùng trang lứa. Tôi cũng không thể tránh khỏi suy nghĩ rằng mình đang “luyện gà nòi” chứ không phải dạy cho các em vì áp lực cho cả thầy và trò rất lớn.
Chính kinh nghiệm trong những năm công tác tại trường chuyên lớp chọn ấy, tôi đem kể lại cho Quỳnh và khuyên con suy nghĩ thật kỹ. Tôi muốn con là một đứa trẻ thật sự, sống hồn nhiên, vui tươi, chan hòa với bạn bè, thầy cô, với thiên nhiên và những người xung quanh. Sau này nhìn lại, con bé sẽ không phải buồn rầu, hối tiếc vì đã có một tuổi thơ thật sự luôn đầy ắp tiếng cười. Còn chuyện trường chuyên, lớp chọn vài năm nữa lớn hơn, suy nghĩ chín chắn hơn, con sẽ tự mình quyết định có nên theo học hay không… 
Con tôi đã đồng ý. Bởi với chúng tôi, quan trọng không phải là học ở đâu mà là học như thế nào.
Nguyên Quỳnh (Theo Sài Gòn Tiếp Thị)

1gom