Đua xe F1 trong thập kỷ 90 (1)

Chiếc Williams FW14B với hệ thống treo chủ động (1992).
Chiếc Williams FW14B với hệ thống treo chủ động (1992).

Kỷ nguyên Senna
Vào những năm 90 của thế kỷ trước, có tờ báo tại Anh đã điểm về những sự kiện nổi bật như sau: “…Nước Đức thống nhất với sự sụp đổ của bức tường Berlin. Nelson Mandela được phóng thích sau 27 năm bị giam cầm. Iraq tấn công Kuwait, dẫn đến chiến tranh vùng Vịnh. Nhà soạn nhạc Leonard Bernstein chết ở tuổi 72 và… Ayrton Senna tiếp tục thống trị làng đua xe F1 trên chiếc McLaren gắn động cơ Honda”.
Mùa đua xe F1 năm 1990 chứng kiến sự ganh đua quyết liệt nhất trong lịch sử giữa hai siêu sao đứng đầu thời ấy là Alain Prost và Ayrton Senna. Không gì chính xác hơn khi so sánh hai tài năng bằng cách quan sát họ thi đấu trên những chiếc xe như nhau. Hồi ấy cả hai đều đầu quân cho McLaren. Tuy nhiên, giới hâm mộ không được tiếp tục chứng kiến điều tuyệt diệu ấy khi một năm sau đó, người được mệnh danh là “giáo sư” đua xe F1, Alain Prost, chuyển qua lái cho Ferrari. Năm đó, phải đến tận chặng Suzuka – Nhật Bản thì cuộc chiến giành ngôi vô địch giữa hai tay đua từng là vô địch thế giới mới ngã ngũ. Vòng đua ấy có gì đặc biệt? Đó là, một ngày trước thời điểm cuộc đua diễn ra, Senna tuyên bố với báo chí là hai người sẽ “đâm nhau” tại Suzuka và chức vô địch thế giới sẽ thuộc về anh để “trả thù” thất bại ở mùa giải năm 1989, khi Senna thất bại trước Prost. Quả nhiên, chỉ sau khi xuất phát vài giây, hai xe va chạm dẫn đến cả hai phải bỏ cuộc, ngôi vô địch thế giới năm ấy thuộc về Senna.

Senna (phải) và M.Schumacher luôn bất hoà.
Senna (phải) và M.Schumacher luôn bất hoà.

Cũng như ngày nay, môn đua xe F1 vẫn là cái lò đốt tiền của các nhà chế tạo xe hơi cũng như các đội đua. Nhằm làm giảm chi phí, FIA (Liên đoàn ôtô thế giới) áp dụng luật cấm chạy xe với động cơ “turbo”, chấm dứt kỷ nguyên sử dụng loại động cơ siêu công suất này trong F1. Với động cơ turbo, công suất mỗi xe lên tới hơn 1.000 mã lực (xe F1 hiện nay là 800-900 mã lực). Thay vào đó, FIA đưa ra qui định mới với động cơ V8, dung tích 3.500 cc, công suất chỉ còn 700 mã lực. Thế là các hãng xe lại lao vào chế tạo loại động cơ 3.500 cc này, kết quả làm chi phí làm xe F1 không những giảm mà lại tăng thêm 15-30%, trút lên vai các hãng xe cũng như các đội đua. Vì vậy, không chỉ là thể thao, F1 thực chất là kinh doanh, chạy đua về nhất. Để bù đắp chi phí, các đội đua buộc phải tranh giành thành tích một cách quyết liệt. Ayrton Senna từng nói: “Bạn hãy nhìn thành tích của tôi dưới một góc độ khác, tôi về nhất không chỉ là nỗ lực cá nhân, nó chính là đồng lương và công ăn việc làm của nhiều thành viên khác trong nhà máy”.
Trở lại câu chuyện các tay lái, vua đua Ayrton Senna duy trì phong độ kiệt xuất của mình năm 1990, đoạt tiếp chức vô địch thế giới lần thứ ba năm 1991. Năm này cũng là lúc một tay đua không tên tuổi gia nhập làng đua F1, về sau từng có lúc đánh bại cả Senna, Alain Prost cũng như Nigel Mansell, 3 lần vô địch thế giới. Đó là Michael Schumacher. Senna có lần nói: “Schumacher, anh cừ lắm, nhưng hãy nhớ rằng chừng nào tôi còn hiện hữu tại F1 thì chừng ấy anh chỉ là tay đua số 2”. M. Schumacher thì tuyên bố: “Đừng gọi tôi là kẻ kế tục Senna, hãy gọi tôi là M.Schumacher”.

>>Huyền thoại làng đua F1 Ayrton Senna

Vào giữa mùa giải năm 1991, trước Grand Prix Bỉ, tay đua đội Jordan là Bertrand Gachot do ẩu đả bị cảnh sát bắt, dẫn đến ông chủ đội đua Jordan vội vàng tìm người thay thế tạm thời, và cơ hội thử tay nghề đã đến với Michael Schumacher, vốn đang chầu rìa trong làng F1. Sau này nhiều người nói vui rằng đóng góp lớn nhất cho F1 của Bertrand Gachot không phải thành tích thi đấu của anh mà chính là vụ ẩu đả đó.
Ở chặng đua đầu tiên này, M.Schumacher đã tạo nên ấn tượng chấn động khi về thứ 6 vòng phân hạng (trên tổng số 22 tay đua chỉ sau vài ngày làm quen xe F1). Bỏ ngoài tai những lời dặn dò nên cẩn thận của ông bầu, M.Schumacher lập tức đánh bại đồng đội của mình, con át chủ bài đội Jordan là Andrea de Cesaris người Italia. Dưới con mắt tinh đời của các ông bầu, liệu M.Schumacher hứa hẹn một tài năng xuất chúng? Hai tuần sau, Flavio Briatore, ông trùm đội Benetton (nay là Renault với Alonso và Trully) tìm đến các luật sư, nhất quyết đưa M. Schumacher về đầu quân cho mình bằng được.

Giải pháp tăng downforce, hình thức không thành vấn đề (1996).
Giải pháp tăng downforce, hình thức không thành vấn đề (1996).

Đến năm 1992, không gì có thể bén gót được chiếc FW 14B của đội đua Williams với động cơ Renault và tay lái lão thành Nigel Mansell. Anh nhất một mạch 5 chặng liền đầu giải (kỷ lục mà Michael Schumacher mới cân bằng ở mùa giải 2004). Mansell về nhất hết chặng này đến chặng khác, đoạt chức vô địch thế giới sớm tại Grand Prix Hungary. Thời đó, xe Williams được trang bị hệ thống chassis “động”, ý tưởng từng được thai nghén từ giữa những năm 80. Với hệ thống này, xe đua F1 dưới sự điều khiển của máy tính, tự động tùy biến bộ khung và hệ thống treo của xe theo tình trạng đường đua. Ngoài ra, xe Williams còn được giúp sức bởi hệ thống “traction control” cực kỳ tinh vi giúp lái xe tha hồ đạp ga mà không sợ bánh xe bị quay tại chỗ trên đường đua. Sau này hệ thống traction control bị cấm.
Nói đến xe F1 không thể không kể đến nhiên liệu. Đầu những năm 90, FIA đưa ra một loạt các thay đổi về nhiên liệu của xe đua F1. Các hãng dầu thi nhau “pha chế” các loại xăng đặc biệt dành cho F1, nhiều đến mức trong một mùa giải có đến 300 loại xăng khác nhau được giới thiệu. Dưới các tiêu chuẩn về vệ sinh và an toàn của châu Âu, ngày nay, nhiên liệu dùng cho xe F1 chỉ còn là hỗn hợp của hydro-carbon, cồn và vài thành phần nitrogen.
Trở lại huyền thoại Senna, tay đua đắt giá nhất thời bấy giờ. Sau chức vô địch thế giới thứ 3 của mình năm 1991, anh không thành công ở hai năm tiếp theo. Năm 1994, anh rời McLaren sang đầu quân cho Williams, đội đua chủ nhân của hai chức vô địch thế giới năm 1992 và 1993. Đương nhiên xe Williams là hạng nhất, nằm trong tay huyền thoại Senna cũng là tay đua số1, điều đó hứa hẹn những trận mưa chiến thắng khi Senna tiến tới giành chức vô địch thế giới năm 1994.  
(Phần 2)
Mạnh Tiến

1gom