Cảm nghĩ của độc giả về sự kiện 11/9 (phần 2)

vv3-485558-1368830438_500x0.jpg
Quang cảnh ở Manhattan (New York) ngày 11/9/2001 (New York Times).

Người gửi: T H DuongGửi tới: Ban Thế giớiTiêu đề: Tán thành hành động khủng bố là một điều đáng lên án
Hãy nhớ lại vào thời chiến tranh Việt Nam, cũng chính những người dân Mỹ đã dấy lên những làn sóng phản đối chiến tranh, góp một phần vào công cuộc thống nhất đất nước cho quê hương Việt Nam. Vậy mà một số bạn đã vơ đũa cả nắm, cho rằng nước Mỹ “đáng” với thảm họa ngày 11/9. Xin ghi nhớ rằng, ở đâu cũng có người tốt kẻ xấu, và người tốt luôn nhiều hơn kẻ xấu thì nhân loại mới tồn tại và phát triển. Người Mỹ cũng vậy, đa số là những người tốt, giàu lòng nhân ái như bất cứ dân tộc nào trên thế giới. Nếu so những sai lầm của họ với những thành tựu mang đến cho nhân loại (chẳng hạn việc phát minh về y học cứu giúp hàng triệu người), thì bạn nào lỡ nói “đáng đời người Mỹ” xin nghĩ lại và rút lại câu nói ấy. Trên thế giới, các nước có lúc thịnh lúc suy. Nước Mỹ hiện nay có thể nói là mạnh và phát triển nhất thế giới, cho nên việc họ tỏ ra là người chuyên đi can thiệp và thiết lập trật tự mới không phải là điều khó hiểu. Nếu Mỹ không mạnh nhất và tỏ ra chuyên quyền thì cũng có nước khác thay thế, vì bao giờ cũng phải có một phần tử nổi bật nhất trong một số đông. Dù thế nào cũng hơn là để bin Laden, Al-Qaeda, hay Taliban dẫn đầu và thiết lập một trật tự mà trong đó bạn không bao giờ được nghe nhạc, khuôn mặt đẹp của chị bạn không bao giờ được chiêm ngưỡng, và em gái bạn không bao giờ được cắp sách đến trường.Ngày 11/9 sắp đến gần. Mong sao cho thế giới luôn hòa bình, đầy nhân ái, để loài người không phải đối chọi lẫn nhau, mà hướng sức lực vào việc bảo vệ trái đất, trước những hiểm họa thiên tai, hay chinh phục những chân trời mới trong vũ trụ. Vì chúng ta đều là con người.
Người gửi: Kim Van QuanGửi tới: Ban Thế giớiTiêu đề: Đừng gây đau thương cho người khác 
Sự kiện ngày 11/9 làm đau lòng nhiều người. Tất cả nạn nhân đều là những người vô tội. Song, trách nhiệm thuộc về những người đứng đầu Nhà Trắng. Giá họ đừng gây đau thương tang tóc trên thế giới… Tôi có cảm tưởng là ở đâu có người Mỹ thì ở đó có chết chóc. Họ quá kiêu ngạo, tự mình cho mình là “tòa án quốc tế”, tự làm những gì mà họ muốn. Nếu họ còn tiếp tục gây chiến tranh ở nhiều nơi thì một ngày nào đó chiến tranh sẽ xảy ra ngay trên đất Mỹ. Muốn hòa bình cho mình thì đừng bao giờ gây đau thương cho người khác.
Mong sao sẽ không có Hiroshima, mong sao sẽ không có thêm ngày 11/9. Tôi mong họ thay đổi chính kiến của mình để không có chiến tranh trên thế giới này.
Người gửi: Ngoc ThanhGửi tới: Ban Thế giớiTiêu đề: Sự ích kỷ đến tàn nhẫn!
Tôi là một người Việt Nam sống trên đất nước Mỹ. Tôi đã nhìn thấy tất cả những gì xảy ra trong ngày 11/9 năm ngoái. Tôi cảm thấy xót xa vô cùng cho những người vô tội đã chết, và tôi cũng không kém phần phẫn nộ khi những ai đó “hả hê” vì nước Mỹ phải chịu cảnh như vậy. Nếu ai đó còn cho rằng việc làm của bọn khủng bố mất hết tính người, vô nhân đạo kia là chính đáng thì tôi không hiểu tính người của họ để đâu? Nếu trong 2 toà nhà cao tầng kia có cha mẹ, con cái, anh em họ hàng của họ ở trong đó thì họ sẽ nghĩ gì?
Tôi muốn nhắn gửi tất cả mọi người rằng vì lòng nhân ái, hãy tha thứ, hãy cầu nguyện cho thế giới luôn được bình an và hòa bình.
Người gửi: Đỗ Trọng KhoaiGửi tới: Ban Thế giớiTiêu đề: Ngày 11/09
Một năm đã trôi qua kể từ ngày quân khủng bố nhân danh đạo Hồi tiến hành một hành động dã man và tiểu nhân – dùng thủ đoạn không tặc để giết người vô tội. Còn rất nhiều ý kiến trái ngược nhau trong vấn dề này, nhất là ý kiến của bạn đọc trong nước so với ý kiến của các công dân châu Âu nói chung và Tây Âu nói riêng. 
Riêng cá nhân tôi thì từ giờ mỗi chuyến bay về phép đều kèm theo sự lo lắng mà trước đây không hề có. Đỗ Trọng Khoai, Germany
Người gửi: Trần Văn BanGửi tới: Ban Thế giớiTiêu đề: 9/11
Tôi đến nước Mỹ ngay sau sự kiện 11/9/2001 nên rất bị shock và đã gặp không ít khó khăn, nhưng hồi đó trong tâm tư vẫn như cảm nhận như một điều gì đó mà nước Mỹ phải gánh chịu.
Ngày 11/8/2002, tôi quyết định viếng thăm tận nơi Lầu Năm Góc (Washington DC) và WTC (New York). Khi tới WTC, mọi thứ đã được dọn dẹp sạch sẽ, vết tích còn lại chỉ là các mảnh kính vỡ nằm vung vãi khắp nơi. Hai móng nhà chỉ còn là một hố sâu với một vài máy hàn, máy xúc đang làm việc. Các tòa nhà hư hỏng xung quanh được trùm bạt kín, không khí vắng lặng. Từng dòng người lặng lẽ ngắm nhìn, hầu như ai nấy đều theo đuổi theo những cảm nhận và suy nghĩ của riêng mình. Tới lúc đó, tôi mới thấy như có oan hồn xung quanh, mới cảm nhận lại được những hình ảnh từng bắt gặp trên TV và những cái chết oan uổng của gần 3.000 người trên một diện tích nhỏ hẹp này. Đó không còn là của riêng nước Mỹ mà là của từng con người, từng gia đình có người thân mất mát phải chịu cảnh đau thương này.
Chỉ mong sao trên thế giới những chuyện buồn như thế không bao giờ xảy ra nữa.
Hst-Sept. 3.2002
Người gửi: Vu Xuan ThanhGửi tới: Ban Thế giớiTiêu đề: september 11th.
Sự kiện September Eleventh (911 cũng là số điện thoại chống tội phạm ở Mỹ) làm cho tôi vô cùng sửng sốt khi xem truyền hình trực tiếp lúc đang học xa nhà.
Không ngờ những hình ảnh mà thoạt nhìn qua tưởng là một cảnh trong phim hành động lại trở thành hiện thực đau lòng. Nó đã cướp đi hàng ngàn sinh mạng của những con người vô tội. Mải mê sử dụng áp lực sức mạnh của mình với những nước khác trên thế giới, nước Mỹ đâu ngờ rằng họ bị chính những người được đào tạo trên mảnh đất của mình, sử dụng máy bay của mình để thực hiện hành động khủng bố chống lại chính mình.
Xin chia buồn với thân nhân của những người đã mất và những người lính cứu hoả dũng cảm trong sự kiện “911” này.
Người gửi: Nguyễn Quang HuyGửi tới: Ban Thế giớiTiêu đề: Thử nhìn ở một góc độ khác
Thay vì cứ lập luận một chiều, nhìn đâu cũng thấy lỗi của Mỹ, ta hãy đặt những câu hỏi này và chịu khó tìm câu trả lời qua các nguồn thông tin trung thực:
1/ Bạn có biết gì về chế độ Taliban và chính sách hà khắc, đi ngược văn minh của họ ? Bạn đã thấy những điêu tàn đổ nát mà chính phủ này đã tạo ra trên Afghanistan ? Bạn đã thấy nụ cười rạng rỡ của các em bé được xem World Cup lần đầu (nên nhớ, TV, thể thao đều bị cấm kỵ trong thời kỳ Taliban)? Và các cô gái hân hoan ngồi trong lớp học… cũng lần đầu?
2/ Con số chính xác về sự tàn phá của bom đạn Mỹ trên Afghanistan và các giúp đỡ để tái xây dựng đất nước này qua nhiều hình thức viện trợ khác nhau?
3/ Bạn có nhớ những năm 70, 80, Liên Xô cũng từng chiếm đóng tại xứ này, và những “đóng góp” của họ?
4/ Nếu như tổ quốc của bạn bị tấn công và 3.000 người dân vô tội bị giết đi, thì bạn sẽ phản ứng như thế nào và mong muốn chính quyền làm gì?
Tất nhiên, các câu hỏi trên đây không phải biện minh, hay bênh vực cho chính quyền Mỹ. Ngay cả người dân Mỹ cũng phản đối các chính sách đối ngoại không đồng nhất của họ. Tôi chỉ mong chúng ta có cái nhìn công bằng và chính xác hơn về vấn đề nầy. Ghét hay thích Mỹ, tùy mỗi con người. Riêng cá nhân tôi, tôi không thích suy nghĩ một chiều.
Người gửi: Quán Như – NHGửi tới: Ban Thế giớiTiêu đề: Sự kiện 11 tháng 9, một năm nhìn lại
1/ Sau cuộc khủng bố ở World Trade Center ở New York và Lầu Năm Góc ở Washington, có nhiều người không phải là dân Mỹ không khỏi cảm thấy hả dạ nếu không muốn nói là mừng khấp khởi vì thấy là nước Mỹ cuối cùng đã rời bỏ đời sống trong lồng kính giả tạo và bắt đầu nếm mùi vị khổ đau của thế giới như những người khác. Người Mỹ xem sung túc, an ninh và tự do cá nhân như là một điều tự nhiên, trong khi những đặc quyền này không hề hiện diện ở nhiều phần đất khác trên thế giới. Không thể nào trách những người đang lặn ngụp đau khổ có những tình cảm ghét bỏ hay ganh tỵ với người Mỹ.2/ Tôi không nghĩ là Mỹ hiểu được những khổ đau ngay chính trên đất nước của họ. Những nhà cầm quyền không chịu hiểu và lắng nghe nỗi khổ của nhiều người trong nước và dân chúng ở các nước khác. Cả nước Mỹ, chớ không phải chỉ một nhóm người, cần tập lắng nghe. Đó là hành động cần thiết. Phe bên kia sẽ chú ý đến những cố gắng lắng nghe của chúng ta, không phải với tư cách của những chính trị gia, mà với tư cách con người. 3/ Với biến cố ngày 11/9, nước Mỹ tự phong cho mình vai trò hiệp sĩ trừ gian diệt bạo và không cần đếm xỉa đến luật pháp quốc gia hay quốc tế và không chấp nhận ai được phép phê phán nước Mỹ. Nhưng nước Mỹ thực sự có phải là một hiệp sĩ và chiến tranh chống khủng bố có phải là cuộc chạm trán giữa ánh sáng và bóng tối như Tổng thống Bush quả quyết hay không? Chính Georges Bush (cha) đã biểu hiện thái độ trịch thượng về văn hóa khi ông tuyên bố chắc nịch ở Hội nghị thượng đỉnh (về tương lai) của Trái đất tại Rio de Janeiro vào năm 1992: Lối sống của người Mỹ không thể đem ra thương thuyết được. Chịu thì chịu, không chịu thì thôi. Hậu quả là những dân tộc nghèo sẽ tiếp tục bị thiệt hại. Tuy sẵn sàng sống dưới sự che chở của Nhà Trắng, tôi nhận thấy chính sách của người Mỹ phản ánh qua thái độ tàn ác của các tổ hợp kinh tế khổng lồ. Họ lượng giá những quốc gia khác bằng những tiêu chuẩn như thị trường tiêu thụ lớn hay nhỏ, có nhiều quặng mỏ không (nhất là mỏ dầu), giá nhân công rẻ đến mức nào và có sẵn sàng tiêu thụ các sản phẩm Mỹ không. Sự bành trướng có tính cách đế quốc của văn hóa Mỹ, núp sau những hình thức văn hóa đại chúng (pop culture), các phương tiện truyền thông, sự tôn thờ các nhãn hiệu hàng hóa tiêu thụ và một bộ máy tuyên truyền thật tinh vi khiến cho mọi người bị nhồi sọ là: thực hiện được Giấc mơ của Người Mỹ càng sớm được thì càng tốt. 4/ Biến cố ngày 11/9 càng làm mối lo ngại của các di dân Mỹ lên cao. Ông khổng lồ Goliath bị thương và điên cuồng trả thù cho hả giận, võ trang cùng mình, được dư luận dân chúng Mỹ ủng hộ (90%), bất cần luật pháp (muốn bắt ai hay nhốt ai ở đâu tùy ý), không chịu trách nhiệm trước một ai. Thành một nơi đáng sống hơn cho ai? Có một số người nhìn nước Mỹ: Một ông già Noel tốt bụng phân phát kẹo bánh cho trẻ con, thi hành công lý quốc tế, cung cấp sản phẩm tiêu dùng, giải điện ảnh Oscar, cổ phần thị trường chứng khoán và Coca Cola! Tuy nhiên, nhiều người khác xem Mỹ như một một thủ kho thực phẩm du côn keo kiệt, chuyên ăn hiếp người khác. Có thể chú Sam có hai nhân cách khác nhau. Một chú Sam tốt bụng và một chú Sam xấu bụng. Nước Mỹ cung cấp nhiều quyền tự do, nhiều kích thích tố và nhiều cơ hội cho công dân của họ hơn bất cứ trong một quốc gia nào khác. Chú Sam tốt xem hình ảnh này như là một nhãn hiệu để rêu rao là nước Mỹ sẽ tạo ra một đời sống phồn thịnh và dân chủ cho tất cả mọi người. Còn một chú Sam xấu bụng thì cứ muốn giữ bo bo túi tiền tại tổng hành dinh của các tổ hợp thương mại và nếu cần có thể hủy diệt cả địa cầu bằng cách khai khác tài nguyên một cách vô trách nhiệm (việc làm trước tiên của ông Bush con là từ chối phê chuẩn hiệp ước Kyoto) và nếu có bất cứ người nào cản đường các tổ hợp này, Mỹ sẽ không ngần ngại gì tìm cách đè bẹp họ cho bằng được.5/ Cuộc chiến tranh truy lùng bọn khủng bố mà ông Bush gọi là chiến tranh giữa thiện và ác, giữa ánh sáng và bóng tối, sự chạm trán giữa hai nền văn minh, thực ra chỉ là một trong những quá trình thu vét tài sản thế giới, tài sản này lẽ ra phải là chung của nhân loại. Những trận mưa bom không thể diệt được mầm mống hay gốc rễ của khủng bố mà ngược lại, chỉ làm tăng thêm lòng thù hận của khối Hồi giáo và nuôi dưỡng thêm những tên khủng bố. Điều mà thế giới hiện nay cần nhất là một cuộc cách mạng công bằng để tiêu diệt mầm mống của hận thù, tức là sự nghèo đói (Thủ tướng Anh, Tony Blair, không nói gì khác hơn là dẫn ra nhận xét này của Neville: “Mầm mống khủng bố là nghèo đói và bất công”)… Thế giới cần một nền đạo đức toàn cầu, mà hiện những nhân vật nắm quyền bính ở Washington không có, cái đạo đức mà những người Mỹ bình thường đã biểu lộ ở dưới đống gạch vỡ vụn của hai tòa nhà World Trade Center. Khi hai toà nhà chọc trời WTC sụp đổ, cảm tưởng của người Mỹ về sự bất khả xâm phạm cũng sụp đổ. Có lẽ đó là lý do tại sao con số tử thương ở Manhattan đã làm cho người Mỹ chấn động và giận dữ đến thế, chấn động hơn con số hàng trăm ngàn người chết trong các vụ khủng bố ở những nơi khác.
QN-NH
Người gửi: Thuy NguyenGửi tới: Ban Thế giớiTiêu đề: Xin đừng nói những lời ân oán
Xin đừng dùng ý nghĩa chính trị để nói về những gì đã xảy ra, hay dùng những lời giải thích về ân oán khi nói tới thảm họa ấy. Xin hãy chỉ nói về con người, những con người cũng giống như chúng ta, được hiện diện trên cuộc đời này bằng máu của Mẹ và mồ hôi nuôi nấng của Cha. Ai trong đời rồi cũng phải chết, nhưng một cái chết tập thể như vậy thật quá thương đau. Có bao nhiêu đứa trẻ đã mất cha hoặc mẹ trong cùng một lúc? Có bao nhiêu gia đình phải chấp nhận sự chia ly tang tóc?
Tuy những người thiệt mạng trong ngày 11/9 đó không phải là người thân của tôi, nhưng tôi vẫn rơi nước mắt khi nhớ tới họ. Xin đừng nói những lời ân oán.
Phần một
Phần ba

1gom