Đội đua F1 Sauber

Peter Sauber (giữa), Nick Heidfeld (phải) và Frentzen trong lễ ra mắt chiếc C22.

Đội đua này thường xuyên ở trong tình trạng giật gấu vá vai, thậm chí Sauber đã phải ngừng phát triển xe mới trong một vài năm ở thập kỷ 70 do thiếu tiền.
Ở một đất nước nổi tiếng về ngành công nghiệp ngân hàng, có lẽ ông Suaber cũng học được phần nào nghệ thuật sử dụng đồng tiền từ những người đồng hương. Ông thường đầu tư tiền bạc rất đúng lúc, đúng chỗ, dần dần đưa đội đua của mình lên một vị trí khá cao trong giải F1 những năm vừa qua, đánh bại cả những đội có sự hỗ trợ trực tiếp từ các hãng sản xuất ôtô lớn với nhân sự và ngân sách lớn hơn nhiều lần.
Peter Sauber bắt đầu chế tạo xe đua vào năm 1970. Trải qua nhiều năm khó khăn, ông dần dần xây dựng được danh tiếng và ký được hợp đồng với hãng Mercedes. Theo đó, Mercedes sẽ cung cấp động cơ, kèm theo những khoản tiền tài trợ ngày càng tăng. Đến năm 1987, Sauber cùng Mercedes đã chiến thắng tại 5 chặng trong hệ thống đua Group C. Đến năm 1989, đội Sauber đã về nhất trong 7 trong tổng số 8 chặng đua của giải đua Le Mans 24 giờ, 2 tay đua của đội đứng hạng nhất và nhì trong bảng tổng sắp cá nhân chung cuộc. Năm 1990 họ cũng thành công không kém ,với 8 lần về nhất trong tổng số 9 vòng đua. Thành công nối tiếp thành công khiến Sauber và Mercedes rất phấn khích, cùng nhau lập kế hoạch tham dự F1 – giải đua ôtô danh giá nhất thế giới.
Không may cho Peter Sauber, tháng 12/1991, do tình hình kinh tế không thuận lợi, Mercedes quyết định hoãn kế hoạch cùng Sauber tấn công vào giải F1. Tuy nhiên, Mercedes vẫn tiếp tục hỗ trợ tài chính và cung cấp động cơ cho Sauber.
Mùa giải F1 đầu tiên của Sauber là năm 1993, với 2 tay đua J. J. Lehto và Karl Wendlinger. Ngay ở chặng đầu tiên tại Nam Phi, Lehto đã khiến mọi người ngạc nhiên khi về đích thứ 5 (đó là lần đầu tiên kể từ năm 1977, một đội đua mới tham gia F1 lần đầu đã ghi điểm). Tuy nhiên, đáng buồn là ở những chặng tiếp theo, đội tỏ ra sút kém hơn các đối thủ khác, mặc dù Lehto về đích thứ 4 tại chặng Imola và Wendlinger cũng cán đích thứ 4 tại chặng Monza.
Năm 1994, tay đua Heinz-Harald Frentzen về thay thế Lehto, và anh này đã về đích thứ 5 tại Grand Prix Pacific. Tuy nhiên, vận may bắt đầu rời bỏ Sauber, khi tay đua Wendlinger đâm xe rất mạnh vào hàng rào tại Grand Prix Monaco. Tay đua này rơi vào tình trạng hôn mê trong suốt gần 1 ngày, và sau đó may mắn qua được cơn nguy kịch. Thêm vào đó, khi khả năng hợp tác với đội McLaren hé mở, hãng Mercedes lập tức bỏ rơi Sauber, khiến đội đua F1 Sauber non trẻ rơi vào tình trạng không có động cơ. Tuy nhiên, đây là lúc mà Peter Sauber thể hiện khả năng xoay xở. Ông đã đàm phán và ký được hợp đồng sử dụng động cơ của hãng Ford. Sauber bán một phần cổ phần của mình trong đội đua cho Dietrich Mateschitz, ông chủ của hãng đồ uống Red Bull nổi tiếng, giúp đội có được thêm tiền tài trợ từ Red Bull. Ông cũng ký một hợp đồng tài trợ quan trọng với hãng dầu lửa Petronas của Malaysia. Petronas hiện vẫn là một trong những nhà tài trợ lớn nhất của Sauber, với khoản tiền ước tính khoảng 20 triệu USD/năm.
Tuy nhiên, vận rủi dường như vẫn theo đuổi Sauber. Đội đua Stewart Grand Prix ra đời năm 1997, và giành mất động cơ Ford của Sauber. Sauber quyết định ký hợp đồng với Ferrari, theo đó hãng này đồng ý bán cho Sauber động cơ thế hệ cũ của mình. Quyết định này tỏ ra đúng đắn khi tay đua Johnny Herbert về đích thứ 3 tại chặng Hungary. Liên tiếp trong 2 năm 1998 và 1999, Sauber lột xác từ một đội tầm tầm trong làng F1, trở thành một đội có nhiều tiềm năng. Xe của Sauber chạy khá nhanh, tuy nhiên độ bền của xe lại không được như ý, khiến cho đội mất nhiều điểm một cách đáng tiếc. Đầu năm 2000, do xe đua có nhiều khiếm khuyết, giám đốc kỹ thuật Leo Ress bị Peter Sauber sa thải và thế vào đó là Willi Rampf, một chuyên gia tài năng đến từ hãng BMW.
Willi Rampf lập tức lao vào thiết kế một mẫu xe mới hoàn toàn cho mùa giải 2001. Peter Sauber cũng đưa ra một quyết định mạo hiểm khi tuyển mộ về 2 tay đua trẻ Nick Heidfeld (Đức) và Kimi Raikonen (Phần Lan). Kimi Raikonen thậm chí còn có rất ít kinh nghiệm đua xe: trước khi về đội Sauber, anh này mới tham gia tổng cộng 23 chặng ở các giải đua hạng thấp hơn. Sự thiếu kinh nghiệm này của Kimi đã khiến Liên đoàn môtô thế giới phải cân nhắc rất nhiều, trước khi cho phép anh thi đấu ở F1. Một lần nữa Peter Sauber đã quyết định sáng suốt. Cả 2 tay đua đã thi đấu rất ấn tượng trên chiếc xe mới do Willi Rampf thiết kế trong mùa giải 2001, đem về cho Sauber vị trí thứ 4 chung cuộc – cao nhất trong lịch sử đội đua này. Ngay khi mùa giải chưa kết thúc, đội McLaren-Mercedes đã đề nghị Sauber được mua lại tay đua trẻ Kimi Raikonen từ mùa giải 2002. Trước một khoản tiền lớn quá hấp dẫn, Sauber đã không thể từ chối.
Mùa giải 2003 này, Sauber có nhiều tham vọng đạt được những kết quả cao, với 2 tay đua vừa kinh nghiệm vừa tài năng Nick Heidfeld và Heinz-Harald Frentzen, cùng với chiếc xe C22 được thiết kế mới hoàn toàn từ A đến Z. Trong những đợt thử nghiệm xe đầu mùa giải, C22 đã tỏ rõ sự ổn định đáng kinh ngạc khi có thể chạy hàng trăm kilomét liên tục mà không gặp bất kỳ một trục trặc nhỏ nào. Với hệ thống tính điểm mới (8 tay đua về đích đầu tiên sẽ ghi điểm), sự ổn định này sẽ giúp Sauber có thể ghi điểm ở tất cả các chặng đua, hứa hẹn một mùa giải thành công cho Sauber. Peter Sauber phát biểu trong lễ ra mắt chiếc C22 hôm 9/2: “Chúng tôi muốn chứng minh cho các đối tác của mình rằng Sauber có thể thi đấu với phong độ rất cao. Tất cả các đội F1 đều có chung mục tiêu là giành chức vô địch thế giới. Nhưng năm nay, chúng tôi chưa nhắm đến mục tiêu cao như vậy, chúng tôi chỉ muốn cạnh tranh ngang ngửa với những đội mạnh nhất”.

Một số thông số về đội F1 Sauber
Tên đầy đủ Sauber-Petronas
Một số thông số của chiếc xe F1 Sauber C22 (2003)
Kích thước chính của xe

Đ.H. (theo F1-Live)

1gom